Ngày lễ quan trọng nhất trong năm ở Trung Quốc đang đến gần - ngày 31/1. Dường như ai cũng lên kế hoạch đi lại cho mình và gia đình trong dịp Tết Nguyên đán. Nhưng tất cả phải phụ thuộc vào vé tàu xe.
3,6 tỉ lượt đi lại
Việc đi lại trong dịp Năm mới đã chính thức bắt đầu từ ngày 17/1 và kéo dài trong khoảng 40 ngày nhưng nhiều người đã lên tiếng về tình cảnh không thể mua được vé. Hôm 15/1, Phó Chủ tịch Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Lian Weiliang cho biết: Lưu lượng vận chuyển dịp này dự kiến đạt tới 3,6 tỉ lượt hành khách, tăng 200 triệu lượt so với năm ngoái. Điều này đã gây sức ép lớn lên hệ thống vận tải và chắc chắn nhu cầu của người dân sẽ không được đáp ứng hết vào lúc đỉnh điểm. Hơn thế, các hiện tượng thời tiết tiêu cực như tuyết, giá lạnh, sương mù được dự báo là sẽ có ảnh hưởng mạnh đến việc đi lại trong dịp Tết.
Cảnh chen chúc tại một nhà ga ở tỉnh An Huy hôm 16/1. Ảnh: AP |
Để mua vé, hành khách có thể đặt mua qua mạng hoặc gọi điện thoại 20 ngày trước khi khởi hành. Vé tàu cũng có bán tại ga, nhưng chỉ giới hạn trong một số ngày nhất định sau khi phát lệnh bán vé qua Internet.
Kể từ khi quyết định mua vé qua mạng được thực hiện hôm 28/12 đã có cuộc chạy đua giành chiếc vé đi lại trong dịp Tết. “Tại sao tôi không mua được vé?” là câu hỏi phổ biến nhất tại các nhà ga. Riêng Trung tâm khách hàng đường sắt tỉnh Quảng Đông trung bình một ngày nhận được 20.000 cuộc điện thoại hỏi về vé, mà hầu hết chỉ là để phàn nàn việc không mua được vé. Việc đặt vé qua mạng cũng chẳng khả quan hơn chút nào. Trang web của Trung tâm phục vụ khách hàng đường sắt Trung Quốc liên tục bị nghẽn mạng, do lượng người truy cập mua vé quá đông.
Phe vé “béo mẫm”
Muốn về quê, phải đi qua 8 thành phố thuộc 6 tỉnh - đó là câu chuyện đang “nóng” trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, nói về tình cảnh một giáo viên mua vé tàu mà chẳng khác nào cơn ác mộng. Cô này đã không mua được vé tàu trực tiếp tại ga cho mình và con gái, đành phải bấm bụng mua vé cho một hành trình đi qua 8 thành phố thuộc 6 tỉnh.
Đó là chuyện của cô giáo Sun, sống ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông. Cô dự kiến đưa con gái 7 tuổi về thăm ông bà sống ở Thẩm Dương. Định ngày đi là 20/1, cô Sun bắt đầu “chiến dịch săn vé” từ ngày 1/1, ngay sau khi vé vừa được mở bán. “Tôi cùng với gia đình và bạn bè đã chuẩn bị kĩ lưỡng, cố gắng mua bằng được vé tàu để về nhà. Thế nhưng, mất vài buổi sáng mà tôi cũng không thể mua được. Ngày nào cũng thế, cứ đến 9 giờ sáng mạng lại nghẽn”, cô giáo Sun chia sẻ. Cuối cùng, cô Sun đành phải mua 6 vé tàu nhiều chặng và một vé ô tô đường dài với thời gian chạy 12 ngày để về nhà, thay vì đi tàu chỉ mất có 35 tiếng. Tiền đi lại cũng tốn 221 USD, thay vì 99 USD bằng tàu hỏa.
Những kẻ phe vé cũng là nhân tố làm cho tình hình tồi tệ hơn. Đây là dịp làm ăn của nhóm người này - vốn được người Trung Quốc gọi là “những con bò vàng”, với ý ám chỉ nhóm người chỉ giỏi ăn mà chẳng chịu làm. Nhờ các mánh lới phi pháp, dân phe có thể thu gom được một lượng lớn vé tàu, bán lại hưởng chênh lệch giá. Năm nay, đám phe vé này lại có công cụ mạnh hơn: Chúng dùng một phần mềm để mua vé, với khả năng đặt mua được 1.245 vé tàu chỉ trong vòng 10 phút!
Đa phần người có nhu cầu đi lại bằng tàu dịp Lễ hội mùa xuân này là những người lao động xa quê, cuộc sống chẳng khá giả gì, chỉ cố gắng tích cóp từng đồng để về quê. Việc thiếu vé đã buộc nhiều người phải chọn lựa các giải pháp thay thế chẳng dễ chịu chút nào: Rất nhiều người đã phải đi bộ hàng trăm cây số, số ít thì đi xe máy, thậm chí có người đi trên cả máy kéo. Tất cả chỉ vì một mục tiêu đơn giản: Trở về nhà trong dịp Tết.
Hoài Thanh