Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ 4, từ trái sang) dự lễ ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 cùng các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: THX/TTXVN |
Khởi đầu của một tiến trình mớiSau 48 năm hình thành và phát triển, 13 năm sau khi đưa ra ý tưởng đầu tiên, ngày 22/11 đã tạo ra bước ngoặt trong lịch sử hợp tác của ASEAN với việc lãnh đạo các quốc gia này đã chính thức ký kết Tuyên bố chung về hình thành AEC, khai sinh một cộng đồng kinh tế thống nhất ở một khu vực đông dân và đa dạng hơn Liên minh châu Âu hoặc Bắc Mỹ.
Phát buổi tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 27, Thủ tướng Malaysia Razak khẳng định, với việc ký tuyên bố lịch sử trên, ASEAN có thể tự hào rằng các nước thành viên đã sẵn sàng bắt đầu cuộc hành trình mới của tiến trình xây dựng cộng đồng trong tất cả ba trụ cột: Cộng đồng Chính trị-An ninh, Cộng đồng Kinh tế và Cộng đồng Văn hóa-Xã hội.
Các nhà lãnh đạo ASEAN đặt mục tiêu sau năm 2015 sẽ đưa ASEAN trở thành một thị trường duy nhất và một cơ sở sản xuất thống nhất; trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động có tay nghề; dỡ bỏ thuế quan và các hàng rào phi thuế quan; thuận lợi hóa thương mại,...
AEC sẽ trở thành tâm điểm của ASEAN với vai trò chủ động tham gia cùng với các đối tác trong khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và các đối tác kinh tế bên ngoài nhằm đổi mới cấu trúc khu vực.
Thành tựu đáng kể nhất trong quá trình xây dựng AEC tới nay là ASEAN đã cơ bản giảm được thuế quan cho các mặt hàng trong danh sách giảm thuế về từ 0-5% từ năm 2010 đối với 6 nước thành viên ban đầu và từ năm 2015 với 4 nước thành viên gia nhập sau, hình thành thị trường mở không còn các rào cản thuế quan đối với hàng hóa.
Nói cách khác, AEC là mô hình liên kết kinh tế khu vực dựa trên nâng cao các cơ chế liên kết kinh tế hiện có của ASEAN, có bổ sung thêm hai nội dung mới là tự do di chuyển lao động và di chuyển vốn tự do hơn.
Ước tính, những tiêu chuẩn được thực thi đầy đủ dựa trên các điều khoản của AEC có thể giúp GDP của ASEAN tăng 7% vào năm 2025 và tạo ra một sự thay đổi lớn trong cấu trúc kinh tế tại châu Á.
Có thể nói, AEC đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành Cộng đồng ASEAN và đưa ASEAN lên một tầm cao mới trở thành một khu vực phát triển năng động và thịnh vượng.
Tham gia AEC vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các nước thành viên trong việc hội nhập khu vực sâu và toàn diện, đồng thời tăng cường sự gắn kết nội khối.
Riêng đối với các nước thành viên kém phát triển hơn trong khối như Việt Nam, Lào, Myanmar, Campuchia, AEC sẽ tạo điều kiện và cơ hội giúp cho các nước này có những bước phát triển nhanh để thu hẹp khoảng cách với các nước thành viên khác.
Theo ông Vitavas Chirapant, Phó Thư ký thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan việc xây dựng AEC là một quá trình cùng thắng, thông qua thực thi chương trình làm việc về sáng kiến nhất thể hoá ASEAN, Quy hoạch tổng thể về kết nối ASEAN cũng như một số sáng kiến khu vực khác, sẽ góp phần thu hẹp khoảng cách, thực hiện phồn thịnh chung.
AEC còn phải vượt qua một quãng đường dài để trở thành một cộng đồng kinh tế hoàn thiện và hiệu quả. Trở ngại vẫn còn ở chỗ ASEAN là một tập hợp nhiều dân tộc có tiếng nói, tín ngưỡng và văn hóa khác nhau, có trình độ phát triển kinh tế khác nhau cũng như theo những chế độ chính trị khác nhau.
Vượt qua sự khác biệt này để xây dựng một cộng đồng thống nhất là một công cuộc đầy khó khăn và đòi hỏi nhiều thời gian. Việc tuyên bố thành lập AEC vừa qua không chỉ là đạt được một mục tiêu mà còn là khởi đầu của một tiến trình hội nhập mới.
Bản lĩnh khi vượt qua khó khănViệc hình thành Cộng đồng ASEAN là một quá trình chứ không phải là một sự kiện và là quá trình phát triển mang tính giai đoạn. Hiện nay, 10 nước thành viên đều đã chuẩn bị sẵn sàng và Việt Nam được đánh giá là một trong những thành viên dẫn đầu trong việc thực hiện các cam kết.
Đến hết tháng 7/2015, ASEAN đã thực hiện được 91,5% các biện pháp ưu tiên, có tác động lớn đối với thương mại và đầu tư đề ra trong Kế hoạch tổng thể xây dựng AEC. Đối với các lĩnh vực như dịch vụ, vận tải, cơ sở hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại, ASEAN thống nhất sẽ nỗ lực hơn nữa để hoàn thành trong năm 2016.
Việt Nam là một trong các nước đứng đầu về tỷ lệ thực hiện (94,5%), thể hiện chủ trương nhất quán của Chính phủ là tích cực và chủ động đóng góp cho việc xây dựng AEC.
Việt Nam đã rất tích cực, chủ động, đề xuất nhiều sáng kiến để thúc đẩy quá trình hình thành AEC. Việt Nam đã phối hợp với các nước để xây dựng cơ chế vận hành và các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến cơ sở dữ liệu thương mại ASEAN, với mục tiêu thúc đẩy sự phát triển các mạng lưới sản xuất, thương mại trong khu vực.
Việt Nam cũng tích cực triển khai các biện pháp khác để thực hiện cam kết về dịch vụ và đầu tư trong ASEAN để hướng tới hình thành một thị trường đơn nhất, một cơ sở sản xuất và phân phối chung.