Ấm no trên quê hương mới

Chúng tôi tìm về xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình, nơi có gần 150 hộ đồng bào Dao ở huyện Đà Bắc đã nhường nhà cửa, đất đai, ruộng nương để xây dựng thủy điện Hòa Bình. Di dời về đây sống xen ghép cùng đồng bào Mường, nay các hộ đều đã an cư, có cuộc sống no ấm.


Theo chân anh cán bộ xã Tú Sơn xuống 5 xóm, từ Kim Bắc 1 đến Kim Bắc 5 trên con đường nhựa liên xóm, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước màu xanh bạt ngàn của những nương ngô, ruộng mía tím, mía trắng và những vườn cây chanh đào, bưởi Diễn bao bọc những ngôi nhà kiên cố... Tất cả hòa quyện với nhau, tạo nên bức tranh vùng trung du yên bình và đủ đầy. Anh cán bộ xã giải thích, khi các hộ đồng bào Dao chuyển về đâyđã thành lập 5 xóm, lấy tên chung là Kim Bắc. Đó là cái tên được lấy từ chữ “Kim” của Kim Bôi và chữ “Bắc” của Đà Bắc mà thành. Như vậy, đồng bào di cư đến vẫn có cảm giác như vẫn ở quê mình.

Những vườn mía tím cho thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.

Bên tách trà dưới tán cây bưởi Diễn, anh Triệu Văn Lộc, Trưởng xóm Kim Bắc 4 tâm sự: “Gia đình tôi chuyển về đây từ năm 1991, cùng với gần 30 hộ khác của xóm. Lúc đầu, do thiếu đất sản xuất, nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Nhưng đồng bào Dao vốn chịu khó, có trình độ canh tác, cộng với sự hỗ trợ từ chương trình tái định cư của Nhà nước, nên cuộc sống cũng dần ổn định”.

Chỉ tay về phía quả đồi trước mặt, anh Lộc cho biết thêm: “Sau mấy năm làm ăn bằng mảnh đất 7.000 m2 được Nhà nước cấp, tôi đã tích góp được chút vốn liếng, thầu được gần 7 ha đất của xã Thống Nhất bên cạnh để trồng mía, ngô. Do chất đất ở đây khá tốt, nên năng suất và chất lượng ngô rất cao, không kém gì bên Sơn La, bởi vậy bán cũng được giá. Đường sá đi lại thuận tiện, không ảnh hưởng đến khâu vận chuyển, nên tư thương không thể mua rẻ nông sản của chúng tôi được”.

Đường liên xóm đã được trải nhựa, thuận lợi cho việc đi lại và giao thương của đồng bào.

Cũng theo anh Lộc, chỉ cần có đất sản xuất, thì việc thoát nghèo, vươn lên khá giả không khó. Đơn cử như với khoảng 3.000 m2 đất sản xuất, trồng được 100 rạch mía tím. Với giá mía tím ổn định như hiện nay, sẽ cho thu khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí, gồm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, công lao động khoảng 35 triệu đồng, cho lãi hơn 60 triệu đồng/năm. “So với trồng ngô, thì trồng mía tím cho thu nhập gấp nhiều lần”, anh Lộc khẳng định.

Xóm Kim Bắc 4 hiện có trên 30 hộ, nhưng đã có 10 hộ giàu nhờ vào việc thầu khoán đất sản xuất để trồng mía, ngô, cây ăn quả như hộ ông Triệu Ngọc Xuân, Triệu Văn Ba, Đặng Văn Phong... , còn lại là các hộ khá giả. Xóm chỉ còn 8 hộ nghèo, mà theo anh Lộc nguyên nhân là do thiếu đất sản xuất.

Sau hơn 20 năm chuyển về nơi ở mới sinh sống xen ghép, hòa thuận cùng đồng bào Mường, nơi ở mới nay đã trở thành quê hương thứ hai của các hộ đồng bào Dao. Họ đã thực sự gắn bó với mảnh đất này khi mới đây các hộ nằm giáp ranh giữa xã Tú Sơn và Thống Nhất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giải quyết được mong đợi bấy lâu của đồng bào.

Ông Bạch Công Dương, Chủ tịch UBND xã Tú Sơn cho biết, thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng suất, chất lượng hàng hóa và giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp mía, ngô, cây ăn quả trên thị trường; xây dựng thương hiệu cho một số sản phẩm nông nghiệp như: Cam, bưởi, chanh đào, mía tím, mía nguyên liệu, cây ngô, đặc biệt là xây dựng những cánh đồng thu nhập cao ở các xóm.
Bài và ảnh: Trọng Thủy
Giúp dân làng có cuộc sống ấm no
Giúp dân làng có cuộc sống ấm no

Người dân làng Klot, xã Kon Gang, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai rất yêu quý và kính trọng ông Drung Yuir, bởi ông đã góp phần mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN