Trong khi Mỹ và Anh đang cố gắng "rào giậu" cho chương trình do thám theo kiểu "ông lớn", thì các quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, lại cố gắng rút ra những bài học cho mình từ tiết lộ của cựu nhân viên CIA Edward Snowden.Thủ tướng Manmohan Singh không sử dụng cả điện thoại di động lẫn Gmail. Ảnh: AFP
|
Chính quyền Ấn Độ đang nghiên cứu áp dụng những biện pháp mới chống lại gián điệp mạng nước ngoài, bao gồm cả một kế hoạch đầy tham vọng là chuyển toàn bộ hoạt động mạng internet vào trong nước, đồng thời cấm quan chức và nhân viên nhà nước sử dụng Gmail và các dịch vụ thư điện tử khác do nước ngoài cung cấp.
Trước đó, không giống những nước phát hiện ra chương trình do thám của Mỹ đối với họ, Ấn Độ không tỏ thái độ chỉ trích. Ngoại trưởng Ấn Độ Salman Khurshid thậm chí còn tỏ ra thông cảm với Mỹ khi nói rằng đó "không phải là hoạt động gián điệp".
Và ngay cả lúc Thủ tướng Đức Angela Merkel "nổi đóa" với báo cáo cho biết NSA có thể đã giám sát điện thoại của mình, thì văn phòng Thủ tướng Ấn Độ lại "bình chân như vại" khi cho rằng Thủ tướng của mình không thể bị giám sát, bởi ngài Manmohan Singh không sử dụng cả điện thoại di động lẫn Gmail.
Mặc dù vậy, có rất nhiều quan chức Ấn Độ lại sử dụng "những thứ" này. Do đó, kể từ tháng 12 tới, Ấn Độ sẽ cấm viên chức chính phủ sử dụng tài khoản thư điện tử cá nhân vào công việc chung. Thay vào đó, họ sẽ buộc phải sử dụng thư điện tử do chính phủ cấp.
Những báo cáo mới nhất về việc NSA can thiệp rất sâu vào Google có lẽ càng thúc đẩy tham vọng trên của New Delhi.
Theo đánh giá của các quan chức Ấn Độ, sẽ không dễ dàng để thay đổi ngay lập tức. Nhiều người vẫn thích sử dụng Gmail hoặc Yahoo hơn là các tài khoản điện tử của chính phủ bởi chúng thường bị lỗi.
Hiện tại, một bức thư điện tử gửi từ thủ đô Delhi tới thành phố Calcutta vẫn phải chạy qua Mỹ hoặc châu Âu, một phần vì thiết kế mạng, một phần cũng vì Ấn Độ thiếu khả năng.
Ngay tại một hội nghị đánh giá vụ việc Snowden diễn ra vào mùa hè vừa qua, một quan chức an ninh Ấn Độ kêu gọi "100%" thư điện tử và tài liệu mà người Ấn Độ gửi cho nhau chỉ nên lưu hành ở trong nội địa để tránh bị "các thế lực nước ngoài" nhòm ngó.
Lê Hoàng (theo BBC)