Ẩn họa từ những cây xăng "năm không"

Đó là không thực hiện quy định về điều kiện kinh doanh xăng, dầu; không thực hiện quy định pháp luật về xây dựng; không thực hiện quy định về phòng cháy chữa cháy và bảo vệ môi trường; không thực hiện quy định về đo lường trong kinh doanh xăng dầu và không thực hiện quy định về niêm yết giá, bán theo giá Nhà nước quy định. Khá nhiều cây xăng tại vùng ven biển Lạch Vạn, Lạch Quèn... thuộc tỉnh Nghệ An đang hoạt động như thế.

Đang bán dầu diezen nhưng người bán hàng vẫn chủ quan hút thuốc, coi thường cháy nổ.


Cửa Lạch Vạn, xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu dài 4 km nhưng có đến trên 10 cây xăng tọa lạc ngay trong nhà dân. Những cây xăng này có quy mô nhỏ và không đáp ứng đủ 5 tiêu chuẩn theo quy định của Nhà nước về hoạt động kinh doanh xăng dầu.


Để đáp ứng nhu cầu xăng dầu của 408 tàu, thuyền thường xuyên neo đậu tại Lạch Vạn Bình, bình quân mỗi chiếc tàu, thuyền tiêu hao từ 70 - 80 lít dầu/ngày, người dân sống dọc vùng Lạch Vạn đã tự phát mở các cây xăng dầu với lý do cung ứng tại chỗ, phục vụ cho tổ đội đánh bắt hải sản.


Anh Nguyễn Văn Khoa, xóm Yên Thịnh, cho biết: Ở đây, nhà dân rất gần nhau, cứ cách vài nhà đến vài chục nhà lại có một cây xăng. Nếu xảy ra sự cố hỏa hoạn hay cháy nổ, e rằng hậu quả sẽ khôn lường. Đường sá ở vùng biển lại nhỏ hẹp, ô tô không vào được, vì vậy, chủ các cây xăng thường phải chở xăng bằng xe máy, xe bò, sau đó về đổ vào bồn chứa của các cây xăng dầu trong nhà. Phương thức vận chuyển sơ sài, thiếu an toàn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ đe dọa đến tính mạng của chính người kinh doanh xăng dầu.


Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc cho biết: Trong số 10 cây xăng ở Diễn Ngọc thì có đến 9 là của tư nhân. Các cây xăng này lúc nào cũng đông khách vì họ kinh doanh với phương châm “vừa bán vừa cho vay”. Nghĩa là mỗi chiếc tàu thuyền ra khơi có thể vừa vay tiền mặt vừa đổ dầu tiếp nhiên liệu trước và sau khi đi đánh bắt về mới thanh toán. Còn đối với công ty của Nhà nước thì không thể kinh doanh theo phương thức đó được. Vì vậy, nhiều ngư dân tìm đến các cửa hàng kinh doanh xăng dầu tự phát này như là chiếc phao cứu sinh lúc khó khăn, túng thiếu.


Các cửa hàng bán lẻ dầu diezen tại địa bàn Lạch Quèn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu cũng có hiện tượng tương tự. Các cửa hàng chủ yếu bán dầu diezen cho tàu thuyền đánh bắt hải sản nên chỉ hoạt động theo mùa vụ, cho từng đợt tàu, thuyền ra khơi.


Hầu hết các cửa hàng xăng dầu tư nhân phục vụ tàu thuyền ven sông, biển thuộc các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu đều không có giấy tờ được các cơ quan có thẩm quyền cấp nhưng vẫn hoạt động và chỉ bán dầu diezen phục vụ tàu thuyền theo lịch đi biển của ngư dân và mỗi cửa hàng chỉ phục vụ từ 3 đến 5 tàu thuyền.


Do đặc thù vùng ven sông, biển, vì tính chất phục vụ, phương thức bán hàng và điều kiện hạn chế nên không thể xây dựng cửa hàng xăng dầu theo tiêu chuẩn quy định của Chính phủ. Để tạo điều kiện cho nhân dân, đặc biệt phục vụ tàu thuyền ra khơi đánh bắt hải sản, bảo vệ vùng biển và hải đảo của Tổ quốc, ông Trần Kim Thành, Phó Giám đốc Sở Công Thương đề xuất: UBND tỉnh Nghệ An cần kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương cho phép tạm cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu (từ 1 - 2 năm) cho những cửa hàng làm tốt công tác phòng cháy chữa cháy, được Công an chấp thuận và có nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu để dễ quản lý.


Còn ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND xã Diễn Ngọc thì cho rằng, nên thành lập một Hợp tác xã xăng dầu có quy mô lớn hơn, quy tụ nhiều xã viên khác cùng tham gia, hoạt động kinh doanh theo đúng quy định của Nhà nước. Tỉnh cũng cần kiên quyết dẹp bỏ những cây xăng dầu không đủ điều kiện kinh doanh. Nếu những cảng cá lớn có nhiều tàu thuyền neo đậu thì nên xây dựng thêm một cây xăng dầu đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Nhà nước để phục vụ ngư dân đánh bắt hải sản.


Bích Huệ

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN