Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đã giải đáp câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền hình xoay quanh ba nội dung đã được thông qua trong chuỗi sự kiện Tuần lễ An ninh lương thực APEC gồm: Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh tại buổi họp báo. Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN |
Theo đó, trong Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu, các đại biểu đã thông qua lộ trình an ninh lương thực chung của khu vực và các Mục tiêu Bogor năm 2020. Bên cạnh đó, kế hoạch cũng hướng tới tăng cường phối hợp khu vực trong giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh lương thực, phát triển kinh tế nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu và tiết kiệm lương thực.
Về Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng, các đại biểu đã thông qua bốn mục tiêu chung hướng tới giải quyết các thách thức liên quan đến phát triển nông thôn - đô thị và an ninh lương thực, gồm: phát triển kinh tế hợp nhất; quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững; khía cạnh xã hội và hiệu quả hành chính. Tất cả các hành động đều mang tính tự nguyện, không ràng buộc, do mỗi nền kinh tế tự đề xuất trên cơ sở ưu tiên trong nước và ngân sách sẵn có; nếu tham gia, các nền kinh tế cần cam kết cập nhật thường xuyên tiến độ thực hiện kế hoạch.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, giai đoạn đầu của hai Kế hoạch hành động trên sẽ tập trung vào các hoạt động tổng quan và đánh giá làm rõ các chính sách, thông lệ tốt nhất, cũng như công nghệ và mức độ năng lực hiện có trong nền kinh tế APEC. Các kế hoạch hành động được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các nỗ lực liên kết khu vực để giải quyết các thách thức liên quan đến an ninh lương thực, thích ứng và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu.
Một kết quả đạt được khác trong chuỗi sự kiện Tuần lễ An ninh lương thực APEC là Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững. Theo đó, Tuyên bố nhấn mạnh an ninh lương thực trong thời gian tới sẽ là vấn đề quan trọng đối với cộng đồng quốc tế nói chung và khu vực APEC nói riêng, cũng như khẳng định vai trò quan trọng của nền kinh tế APEC trong chuỗi giá trị hiện nay về an ninh lương thực toàn cầu.
Đặc biệt, Tuyên bố cũng lưu ý mối liên hệ chặt chẽ giữa an ninh lương thực, đói nghèo, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, do đó, cần được giải quyết cùng nhau. Ngoài ra, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển nông nghiệp bền vững cũng cần được chú trọng nhằm đạt được tập hợp các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến tương lai phát triển quốc tế giai đoạn 2015 - 2030 do Liên hợp quốc đề ra.
Đại diện các nền kinh tế gặp gỡ bên lề đối thoại. Ảnh: Thế Anh/TTXVN |
Bên cạnh đó, Tuyên bố cũng kêu gọi tăng cường hợp tác khu vực theo 5 ưu tiên của APEC trong lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm: giải quyết mối quan hệ an ninh lương thực - biến đổi khí hậu thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình khung nhiều năm của APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên thiên nhiên bền vững, trong đó, đặt trọng tâm vào công tác tăng cường chính sách thích ứng với biến đổi khí hậu, sử dụng tài nguyên có hiệu quả, tăng trưởng bền vững, khuyến khích đầu tư vào các dự án bảo vệ lưu vực và hệ sinh thái, quản lý bền vững và bảo vệ hệ sinh thái biển; phát triển nông thôn - đô thị bền vững thông qua Kế hoạch hành động thực hiện Khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững; tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư trong nông nghiệp và thị trường lương thực ở khu vực.
Thông qua Tuyên bố, các nền kinh tế trong khu vực cũng thống nhất tăng cường thực hiện Tuyên bố Khu vực thương mại tự do Châu Á - Thái Bình dương (FTAAP) nhằm nâng cao vai trò đầu tư của khu vực tư nhân; tăng cường ứng dụng các tiêu chuẩn quốc tế trên cơ sở khoa học trong đầu tư và thương mại; ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao sản lượng và thu nhập cho nông dân.
Trong công tác quản lý thất thoát và lãng phí lương thực, các nền kinh thế thống nhất tiếp tục thực hiện dự án hợp tác nhiều năm của APEC về kiểm soát chống thất thoát và lãng phí lương thực; kêu gọi áp dụng hình thức đầu tư PPP (hình thức đầu tư trên cơ sở hợp đồng giữa cơ quan nhà nước và nhà đầu tư) trong các chương trình nâng cao nhận thức cộng đồng, tăng cường năng lực và đầu tư vào chế biến nông sản.