Theo phóng viên TTXVN tại Buenos Aires, ông Timerman đã gửi thư lên Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Ban Ki-moon, chủ tịch Ủy ban đặc biệt phi thực dân của LHQ, cũng như các Tổng Thư ký của Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR), bày tỏ quan ngại về việc Anh quân sự hóa khu vực Nam Cực, khiến tình hình ở khu vực này trở nên căng thẳng một cách không cần thiết và vô lý.
Thủ phủ Stanley trên đảo Falkland. Ảnh: The Guardian |
Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina khẳng định bất chấp những yêu cầu của Buenos Aires tiến hành đối thoại để giải quyết bất đồng dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế, Anh lại luôn theo đuổi việc chạy đua vũ trang tại quần đảo ở Nam Đại Tây Dương này. Một lần nữa người đứng đầu ngành ngoại giao Argentina hối thúc Anh ngồi vào bàn đàm phán.
Quan hệ giữa Argentina và Anh đã trở nên căng thẳng hơn sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon ngày 24/3 thông báo London đang lên kế hoạch tăng cường năng lực phòng vệ tại quần đảo Falklands nhằm đối phó với các "mối đe dọa liên tiếp". Kế hoạch nói trên kéo dài 10 năm với tổng chi phí lên tới 180 triệu bảng (2 triệu USD) bao gồm việc nâng cấp hệ thống tên lửa đất đối không và triển khai 2 trực thăng Chinook tới quần đảo này vào giữa năm 2016.
Ngay lập tức, chính phủ Argentina đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Anh và cho rằng mục đích chính của London là biện hộ cho việc tăng chi phí quân sự. Chánh văn phòng Nội các Argentina, Aníbal Fernández, nhấn mạnh “đối thoại và đàm phán là giải pháp cho tranh chấp, chứ không phải là vũ khí” và khẳng định số tiền mà Anh đầu tư vào vũ khí sẽ có ích hơn nếu đầu tư vào giáo dục, y tế và việc làm.
Mặc dù Malvinas/Falklands nằm dưới sự quản lý của Anh kể từ năm 1833, nhưng Argentina vẫn luôn tuyên bố quần đảo trên thuộc chủ quyền của nước này. Trong khi đó, về phía Anh, bất chấp các nghị quyết của Liên hợp quốc (LHQ) yêu cầu nước này đàm phán với Argentina để giải quyết vụ tranh chấp, London vẫn làm ngơ với lý do chỉ đàm phán nếu người dân tại quần đảo đề nghị. Khoảng 3.000 người dân tại Malvinas/Falklands, phần lớn là người Anh hoặc hậu duệ của họ, đã tỏ ra không muốn quần đảo này thuộc chủ quyền của Argentina.
TTXVN/Tin Tức