Băn khoăn khi sáp nhập một số khu dân cư ở vùng cao Văn Chấn

Thực hiện hướng dẫn theo thông tư 09 của Bộ Nội vụ, bước đầu huyện Văn Chấn đã xây dựng phương án giảm 129 thôn bản, tổ dân phố.

Hoạt động sản xuất của nông dân xã Phù Nham, huyện Văn Chấn, Yên Bái. Ảnh minh họa: Thế Duyệt/TTXVN

Thực hiện Kế hoạch số 43 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái về một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu quả, thời gian qua huyện Văn Chấn (Yên Bái) đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn thực hiện sắp xếp, sáp nhập các thôn, bản và tổ dân phố. Tuy nhiên, với điều kiện địa hình trải rộng, dân cư phân bố rải rác, việc thực hiện sáp nhập một số khu dân cư đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao.

Những ngày gần đây, việc sáp nhập tổ dân phố đang được người dân tổ 19/5 thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn rất quan tâm. Cả tổ dân phố chỉ có 80 hộ, nằm khá tách biệt với các khu dân cư khác, nên chính quyền thị trấn đã đưa vào Kế hoạch sáp nhập tổ dân phố 19/5 với tổ dân phố 7 và tổ dân phố 8. Mặc dù sau khi sáp nhập tổ dân phố mới có 271 hộ, nhưng diện tích đất tự nhiên lại lên đến 500 ha, điều này khiến nhiều hộ băn khoăn về việc tổ chức hoạt động ở cơ sở.

Ông Nguyễn Trung Dương, tổ 19/5, thị trấn Nông trường Trần Phú nêu ý kiến, ông nhất trí với việc sáp nhập, nhưng đề nghị tiểu khu nào vẫn để nguyên như cũ để người dân trong tổ được sinh hoạt đều đặn hơn, việc sáp nhập 3 tổ dân phố sẽ gây khó khăn hơn trong việc quản lý cũng như đảm bảo an ninh.  

Thị trấn Nông trường Trần Phú là địa phương có số tổ dân phố sáp nhập tương đối lớn, theo kế hoạch, thị trấn sẽ sáp nhập từ 13 tổ dân phố xuống còn 7 tổ dân phố. Dù địa bàn khá rộng, nhưng hầu hết dân cư thị trấn phân bố tương đối tập trung nên việc sáp nhập, sắp xếp các tổ dân phố đều thuận lợi. Tuy nhiên, thị trấn còn có một khu dân cư với số lượng lớn là người dân tộc Dao và một tổ dân phố nằm khá biệt lập. Qua tuyên truyền, vận động nhân dân cũng có những ý kiến đề xuất, chính quyền thị trấn vẫn còn những trăn trở nhất định.

Bà Trần Thị Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết, đối với các tổ dân phố ở gần nhau việc sáp nhập hoàn toàn hợp lý, đối với tổ dân phố có khoảng cách giữa các hộ xa và diện tích sau khi sáp nhập là khoảng 500 ha với gần 300 hộ việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức triển khai các đường lối, chủ trương của Đảng đến nhân dân.


Với địa bàn trải rộng trên 120 nghìn ha, huyện Văn Chấn có 374 thôn bản, tổ dân phố ở 28 xã và 3 thị trấn. Thực hiện hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, bản, tổ dân phố theo thông tư 09 của Bộ Nội vụ, bước đầu huyện Văn Chấn đã xây dựng phương án giảm 129 thôn bản, tổ dân phố xuống còn 245. Mặc dù số lượng thôn, bản giảm khá lớn, nhưng mới chỉ có gần 60 thôn, bản, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn về số hộ theo quy định của Nhà nước.

Sắp xếp lại quy mô khu dân cư là một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm mục tiêu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền cấp cơ sở. Tuy nhiên, vẫn còn một số trăn trở về mặt tổ chức cán bộ và hoạt động của chính quyền đối với những thôn bản vùng cao, vùng sâu có địa bàn quá rộng. Ngoài ra việc tăng cường các thiết chế văn hóa cơ sở hạ tầng cho các khu dân cư đảm bảo theo quy mô dân cư mới cũng cần được quan tâm.

Việt Dũng (TTXVN)
Hà Nội sáp nhập nhiều chi cục thuế cấp huyện
Hà Nội sáp nhập nhiều chi cục thuế cấp huyện

Theo Cục Thuế thành phố Hà Nội, Cục này đang rà soát và báo cáo Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính, UBND thành phố Hà Nội về phương án, sáp nhập đối với 12 chi cục thuế huyện thành chi cục thuế khu vực theo lộ trình từ năm 2018 - 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN