Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Phần V)

3. Phát triển nông - lâm - ngư nghiệp toàn diện theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá gắn với giải quyết tốt vấn đề nông dân, nông thôn

Phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, hiệu quả, bền vững, phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới. Trên cơ sở tích tụ đất đai, đẩy mạnh cơ giới hoá, áp dụng công nghệ hiện đại (nhất là công nghệ sinh học); bố trí lại cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ, trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp, vùng chuyên môn hoá, khu nông nghiệp công nghệ cao, các tổ hợp sản xuất lớn. Thực hiện tốt việc gắn kết chặt chẽ “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp, nhà nước) và phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn. Phát triển các hiệp hội nông dân và các tổ chức khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tạo điều kiện để các tổ chức này hoạt động thiết thực, có hiệu quả.

Phát triển nông nghiệp sản xuất hàng hoá lớn, có năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cao, thân thiện với môi trường, gắn sản xuất với chế biến và thị trường, mở rộng xuất khẩu. Giữ vững diện tích đất trồng lúa theo quy hoạch, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia và tăng giá trị xuất khẩu gạo. Mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ cao để tăng năng suất, chất lượng các loại rau, màu, cây ăn quả, cây công nghiệp có lợi thế. Phát triển nhanh ngành chăn nuôi theo phương thức công nghiệp, bán công nghiệp với công nghệ tiên tiến.

Phát triển lâm nghiệp toàn diện, bền vững, trong đó chú trọng cả rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng; tăng diện tích trồng rừng và độ che phủ rừng trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia đầu tư. Có cơ chế, chính sách hỗ trợ để người dân có thể sống, làm giàu từ trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng; hình thành các tổ hợp trồng rừng nguyên liệu gắn với công nghiệp chế biến lâm sản và phát triển các vùng rừng chuyên môn hoá bảo đảm đáp ứng ngày càng nhiều hơn nguyên liệu trong nước cho công nghiệp chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ, giấy.

Phát triển mạnh nuôi trồng thuỷ sản đa dạng theo quy hoạch, phát huy lợi thế từng vùng gắn với thị trường; coi trọng hình thức nuôi công nghiệp, thâm canh là chủ yếu đối với thuỷ sản nước ngọt, nước lợ và nước mặn; gắn nuôi trồng với chế biến bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh việc đánh bắt hải sản xa bờ với ứng dụng công nghệ cao trong các khâu tìm kiếm ngư trường, đánh bắt và hiện đại hoá các cơ sở chế biến thuỷ sản. Xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, cơ sở dịch vụ phục vụ nuôi trồng, đánh bắt, chế biến, xuất khẩu thuỷ sản.

Xây dựng nông thôn mới: Quy hoạch phát triển nông thôn và phát triển đô thị và bố trí các điểm dân cư. Phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ và làng nghề gắn với bảo vệ môi trường. Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với đặc điểm từng vùng theo các bước đi cụ thể, vững chắc trong từng giai đoạn; giữ gìn và phát huy những truyền thống văn hoá tốt đẹp của nông thôn Việt Nam . Đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn. Tạo môi trường thuận lợi để khai thác mọi khả năng đầu tư vào nông nghiệp và nông thôn, nhất là đầu tư của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, thu hút nhiều lao động. Triển khai có hiệu quả chương trình đào tạo nghề cho 1 triệu lao động nông thôn mỗi năm.

Thực hiện tốt các chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo và các đối tượng chính sách, chương trình nhà ở cho đồng bào vùng bão, lũ; bố trí hợp lý dân cư, bảo đảm an toàn ở những vùng ngập lũ, sạt lở núi, ven sông, ven biển.

Phấn đấu giá trị gia tăng nông nghiệp bình quân 5 năm đạt 2,6 - 3%/năm. Tỉ trọng lao động nông nghiệp năm 2015 chiếm 40 - 41% lao động xã hội. Thu nhập của người dân nông thôn tăng 1,8 - 2 lần so với năm 2010.

4. Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ tài chính, ngân hàng, thương mại, du lịch và các dịch vụ có giá trị gia tăng cao

Ưu tiên phát triển và hiện đại hoá các dịch vụ tài chính, ngân hàng, viễn thông, thương mại, du lịch, vận tải, dịch vụ chăm sóc sức khoẻ, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ. Có cơ chế, chính sách khuyến khích sử dụng hàng hoá sản xuất trong nước, mở rộng thị trường nội địa, phát triển mạnh thương mại trong nước ở tất cả các vùng; hoàn thiện hệ thống phân phối để xác lập vị thế vững chắc của doanh nghiệp trong nước trên thị trường bán lẻ. Đẩy mạnh và khuyến khích xuất khẩu, đặc biệt là những mặt hàng mới, sản phẩm chế biến, chế tạo có hàm lượng khoa học công nghệ cao, giá trị gia tăng cao; giảm mạnh xuất khẩu nguyên liệu, khoáng sản, sản phẩm thô. Hình thành các trung tâm thương mại - dịch vụ lớn, vừa là trung tâm giao thương trong nước, vừa là cửa ngõ giao thương với nước ngoài tại Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ. Xây dựng một số trung tâm du lịch lớn trong nước, gắn kết có hiệu quả với các trung tâm du lịch lớn của các nước trong khu vực.

Phấn đấu khu vực dịch vụ có tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng GDP và gấp ít nhất 1,3 lần tốc độ tăng trưởng của các ngành sản xuất sản phẩm vật chất; tốc độ tăng trưởng dịch vụ bình quân 5 năm đạt 8 - 8,5%/năm.

5. Tập trung xây dựng, tạo bước đột phá về hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước

Hoàn thiện quy hoạch hệ thống kết cấu hạ tầng cả nước. Phát triển có trọng tâm, trọng điểm và đầu tư tập trung, dứt điểm, kiên quyết hoàn thành những công trình kết cấu hạ tầng kinh tế then chốt theo hướng hiện đại và tương đối đồng bộ ở các vùng động lực phát triển, các khu công nghệ cao, các khu công nghiệp, khu kinh tế. Hoàn thiện cơ bản mạng lưới giao thông thiết yếu, đường ven biển, đường vành đai biên giới. Hiện đại hoá một số sân bay, cảng biển quan trọng và một số tuyến đường bộ trọng yếu nối kết với Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tiếp tục hoàn thiện theo hướng hiện đại hệ thống giao thông đô thị, tập trung giải quyết tình trạng ách tắc giao thông và ngập úng ở Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời phát triển đồng bộ hệ thống vận tải địa phương, phấn đấu hầu hết xã, cụm xã có đường ôtô đến trung tâm (trừ các xã có địa hình, địa lý đặc biệt khó khăn).

Phát triển nhanh nguồn điện bảo đảm đủ điện cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân; hoàn chỉnh hệ thống truyền tải điện gắn với bảo đảm vận hành an toàn, phấn đấu giảm 1/3 mức điện tổn thất so với hiện nay. Hiện đại hoá bưu chính - viễn thông và hạ tầng công nghệ thông tin đủ sức bảo đảm nhu cầu phát triển trong điều kiện hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Xây dựng các công trình thuỷ lợi đa mục tiêu, nâng cao năng lực tưới tiêu chủ động cho các loại cây trồng; xây dựng thêm hồ chứa nước ở vùng thường xuyên bị khô hạn, hệ thống đê sông, đê biển. Phát triển hệ thống cung cấp đủ nước sạch cho đô thị, khu công nghiệp và dân cư nông thôn.

Xây dựng các công trình xử lý chất thải rắn, nước, khí thải và các công trình bảo vệ môi trường. Sớm hoàn chỉnh hệ thống dự báo khí hậu, thời tiết và cơ sở nghiên cứu về biến đổi khí hậu toàn cầu để nâng cao năng lực dự báo, phòng, chống, hạn chế tác hại của thiên tai.

6. Phát triển kinh tế - xã hội hài hoà giữa các vùng, đô thị và nông thôn

Phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường liên kết giữa các địa phương trong vùng theo quy hoạch, khắc phục tình trạng đầu tư trùng lặp, thiếu liên kết giữa các địa phương trong vùng; đồng thời tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các vùng để các vùng đều phát triển, từng bước giảm bớt chênh lệch về trình độ phát triển và mức sống dân cư giữa các vùng. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển các vùng kinh tế, lãnh thổ trọng điểm tạo động lực cho nền kinh tế. Tăng cường chính sách hỗ trợ phát triển các vùng còn nhiều khó khăn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đối với vùng đồng bằng: Tập trung phát triển các ngành công nghiệp, dịch vụ công nghệ cao, hình thành và phát huy vai trò các trung tâm đô thị lớn và các khu công nghiệp, khu kinh tế. Sử dụng quỹ đất tiết kiệm, có hiệu quả cao trên cơ sở phát triển kinh tế theo chiều sâu, tận dụng chiều cao không gian. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, phát triển các vùng sản xuất hàng hoá tập trung, thâm canh, các khu nông nghiệp công nghệ cao, gắn với công nghiệp bảo quản, chế biến, thị trường trong nước và xuất khẩu. Giãn bớt sự tập trung quá mức về công nghiệp và đô thị ở vùng đồng bằng sông Hồng; có biện pháp cụ thể để chủ động hạn chế những tác hại do nước biển dâng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với vùng trung du, miền núi: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, tận dụng cơ hội giao thương với Trung Quốc, Lào, Campuchia và các vùng đồng bằng, ven biển; khai thác hợp lý, có hiệu quả tiềm năng thuỷ điện, khoáng sản, phát triển thuỷ lợi kết hợp với thuỷ điện; sử dụng hiệu quả đất nông, lâm nghiệp, hình thành các vùng sản xuất lớn cây công nghiệp, cây ăn quả tập trung, rừng nguyên liệu giấy, gỗ và chăn nuôi đại gia súc. Tiếp tục giao đất, giao rừng, hỗ trợ lương thực để nhân dân trồng và bảo vệ rừng. Nâng cao dân trí, đẩy mạnh xoá đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân; có chế độ, chính sách hợp lý đối với cán bộ, bộ đội, công an, nhân dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vùng biên cương của Tổ quốc, bảo vệ rừng và nguồn nước.

Đối với vùng ven biển, biển và hải đảo: Phát triển kinh tế ven biển, biển và hải đảo theo định hướng Chiến lược biển đến năm 2020. Xây dựng hợp lý hệ thống cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế, đô thị ven biển gắn với phát triển công nghiệp đóng và sửa chữa tàu, khai thác, chế biến dầu khí, vận tải biển, du lịch biển. Phát triển mạnh kinh tế đảo, khai thác hải sản xa bờ gắn với tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và giữ vững chủ quyền vùng biển quốc gia. Đẩy mạnh việc điều tra cơ bản đối với một số loại tài nguyên biển quan trọng.

Phát triển hài hoà giữa thành thị và nông thôn. Phát triển đô thị phù hợp với quá trình phát triển kinh tế, theo quy hoạch dài hạn, không khép kín theo ranh giới hành chính và xử lý đúng mối quan hệ giữa đô thị hoá và hiện đại hoá nông thôn. Đẩy mạnh việc đưa công nghiệp và dịch vụ về nông thôn để hạn chế tình trạng nông dân ra các thành phố, đồng thời không để một khu vực lãnh thổ rộng lớn nào trống vắng đô thị.

Nâng cao chất lượng quy hoạch đô thị và đẩy mạnh đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở các đô thị lớn, nhất là Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Hình thành hệ thống đô thị vừa và nhỏ theo hướng phân bố hợp lý trên các vùng, khắc phục tình trạng tự phát trong phát triển đô thị. Xây dựng đô thị ven biển cần tính đến nước biển dâng do biến đổi khí hậu. Hỗ trợ quy hoạch, xây dựng, tổ chức tốt hơn các điểm dân cư nông thôn theo hướng sạch, đẹp, văn minh.

(còn nữa)


Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng (Phần XII)

Kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng sáng tạo và phát triển phù hợp với thực tiễn Việt Nam...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN