Theo ông Phan Xuân Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai, để phát huy bản sắc văn hóa cồng chiêng trong cộng đồng người dân tộc thiểu số, ngoài việc lưu giữ, thì phải biết khai thác và sử dụng có hiệu quả các giá trị văn hóa này.
Phục dựng lễ hội để bảo tồn cồng chiêng. |
Theo dòng chảy của cơ chế thị trường, nghệ nhân đánh cồng chiêng ở các buôn làng dân tộc trong tỉnh Gia Lai ngày càng ít, trong khi đó lực lượng thanh thiếu niên ít quan tâm đến văn hóa truyền thống. Do đó việc mở lớp truyền dạy đánh cồng chiêng cho thế hệ trẻ là một trong những giải pháp về lâu dài, đã được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan tâm và triển khai thực hiện có hiệu quả từ nhiều năm nay. Các địa phương cũng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho văn hóa cồng chiêng phát huy mạnh mẽ thông qua các lễ hội của người Bahnar và J'rai như lễ Pơ thi (bỏ mả), lễ mừng lúa mới, lễ cúng nhà rông... Hằng năm, các địa phương cũng tổ chức những cuộc liên hoan cồng chiêng từ cơ sở. Nhờ đó, thế hệ trẻ người J'rai và Bahnar có xu hướng quay về cội nguồn.
Nghệ nhân Pui MLich, ở làng Plei Ốp, thành phố Pleiku cho biết, trong làng đã có rất nhiều thanh niên biết đánh cồng chiêng, tuy chưa thành thục, song họ rất thích và thường xuyên tham gia đánh cồng chiêng trong các lễ hội của làng.
Ở các trường học dân tộc trong tỉnh, nhất là các trường học nội trú, bán trú cũng đã đưa môn học đánh cồng chiêng vào chương trình giảng dạy phụ khóa. Qua đó, vừa giúp các em hướng về cội nguồn dân tộc, vừa tạo sân chơi lành mạnh vào những ngày cuối tuần.