UBND huyện Lạc Dương cho biết, thời gian qua, lượng khách du lịch đến tham quan các khu du lịch nổi tiếng của địa phương tăng cao hơn so những năm trước. Hàng đêm dưới chân núi Lang biang huyền thoại, sau khi cầu khấn mời thần linh, già ra hiệu cho trai làng khiêng ra một chóe rượu cần và trịnh trọng nâng cần rượu mời du khách. Du khách vừa uống rượu cần vừa thưởng thức nhiều nhịp chiêng khác nhau, từ tiếng chiêng mừng ngày hội đến chiêng Proh gọi bầy, chiêng Dênh gọi mưa; hát đối đáp dêh kô, dêh reng; đánh đàn T’rưng, thổi sáo, độc tấu khèn bầu… Ở đây hiện có 11 điểm nhóm dịch vụ cồng chiêng với sức chứa tới trên 100 - 200 khách.
Du khách bị cuốn vào các vòng xoan, điệu nhảy cùng các nghệ sĩ của buôn làng. |
Dưới chân núi Lang Biang huyền thoại, có trên 2 ngàn dân thuộc tộc người Cil - K’ho và Lạch - K’ho sinh sống, họ đều là những thành viên của ban nhạc, nhóm biểu diễn cồng chiêng. Đặc biệt, các thành viên ban nhạc đều là nông dân, ban ngày họ vẫn vác cuốc lên nương rẫy, đêm về họ trở “thành nghệ sĩ chân trần”. Bên những chóe rượu cần, du khách được thưởng thức những nhịp điệu âm vang cồng chiêng của núi rừng Tây Nguyên.
Du khách vừa uống rượu cần vừa thưởng thức nhịp chiêng say đắm lòng người. |
Theo UBND huyện Lạc Dương nhờ làm tốt công tác quản lý hoạt động cồng chiêng nên đã góp phần thúc đẩy loại hình du lịch, dịch vụ tại địa phương này phát triển, tạo nguồn thu nhập ổn định cho một bộ phận nhân dân, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thồng của tỉnh Nam Tây Nguyên.
Nam thanh, nữ tú thả hồn vào tiếng sáo lôi cuốn du khách. |
Một số điểm du lịch mới ở Lạc Dương cũng hình thành và đi vào hoạt động, như điểm du lịch làng Cù Lần, điểm du lịch cộng đồng Lang biang huyền thoại với nhiều nét văn hóa đậm chất Tây Nguyên và Vườn quốc gia Bi - Doup - Núi Bà.