Bảo vệ nguồn lợi từ lũ

Mùa lũ bây giờ đối với người dân đồng bằng sông Cửu Long không còn là thứ gì đó đe dọa cuộc sống an bình của họ mà trở thành cơ hội làm ăn. Tuy nhiên, việc đánh bắt thủy sản thiếu kiểm soát đã dẫn đến nguồn tài nguyên tự nhiên này ngày càng giảm mạnh.

 

Thời điểm này, tại huyện đầu nguồn Hồng Ngự tỉnh Đồng Tháp và Tân Hưng tỉnh Long An, nước lũ đã bắt đầu tràn lên đồng. Thấp thoáng trên các cánh đồng loang loáng một màu trắng xóa là những chiếc xuồng nhỏ của người dân đang tất bật mưu sinh.


Suy giảm trầm trọng


Trên cánh đồng nước mênh mông ở xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, chiếc xuồng nhỏ của ông Nguyễn Văn Ni chòng chành, lắc lư theo nhịp khi đôi cánh tay của ông thoăn thoắt gỡ những mảng lưới rối chằng chịt để hai người con trai của ông đang dầm mình bao tấm lưới thành một vòng tròn có đường kính hơn 10 m. Lấy tay quệt những giọt mồ hôi trên khuôn mặt rám nắng, ông hướng ánh mắt về hai người con đang ra sức kéo lưới. Kế bên ông là cô con gái út đang chuyển mớ cá linh non, cá dảnh, cá heo to cỡ ngón tay cái từ chiếc chậu nhôm sang chiếc thùng nhựa để cuối ngày sẽ đem bán cho thương lái. Quay sang nhìn mớ cá ít ỏi, ông Ni buồn rầu nói: “Số cá này chắc chỉ chừng 5 kg. Công sức kéo lưới từ sáng đến trưa của cha con tui đó. Sao từ đầu mùa nước đến giờ cá về ít quá”.

 

Ông Nguyễn Văn Ni và các con đang kéo mẻ lưới đánh bắt các loại cá non đầu mùa lũ tại xã Thường Phước 2, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp.


Trong những ngày nước lũ về, cha con ông Ni bắt đầu đi giăng lưới từ sáng sớm và trung bình mỗi ngày kiếm được khoảng 30 kg cá. Số cá này sẽ được ông Ni bán cho thương lái với giá 5.000 đồng/kg và chủ yếu dùng để xay nhuyễn làm thức ăn cho các hộ nuôi cá, nuôi tôm càng xanh, tôm sú. Theo ông Ni, chưa có đầu mùa lũ năm nào mà số lượng cá lại ít như năm nay. “Đầu mùa lũ những năm trước, ngày nào ít thì cũng phải từ 50 kg cá, còn 60 - 70 kg cá một ngày là chuyện bình thường”, ông cho biết. Ông bảo, mùa nước lũ về là “mùa vui” của những người dân sinh sống ở thượng nguồn vì họ kiếm được một khoản tiền kha khá từ việc đánh bắt cá trên đồng, trên sông. Thế nhưng, những mùa lũ vừa qua, việc mưu sinh trong mùa lũ lại nhọc nhằn, khó khăn hơn vì thủy sản tự nhiên khai thác được ngày càng ít.


“Đối với lũ năm 2014, trong tháng 7 dưới mức báo động 1, nhưng đầu tháng 8 có giai đoạn lên rất nhanh. Có thời đểm mực nước các huyện đầu nguồn tăng khoảng 8cm/ngày. Năm nay có đặc biệt là triều cường xuất hiện trong rằm tháng 7 vừa qua. Thông thường hàng năm triều cường thường xuất hiện cuối năm thì năm nay xuất hiện rất sớm. Chính diễn biến bất thường như vậy đã làm cho lượng thủy sản tự nhiên đầu mùa lũ bị sụt giảm”, ông Đặng Ngọc Lợi, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, cho biết.


Bảo vệ để khai thác lâu dài


Theo đánh giá của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp, nhìn tổng quan trong những năm qua, sản lượng các loài thủy sản trong tự nhiên, đặc biệt là các loại thủy sản bản địa quý, hiếm có chiều hướng suy giảm liên tục. Có nhiều nguyên nhân gây ra diễn biến bất lợi trên, như sự biến đổi khí hậu đã làm cho mực nước sông Tiền, sông Hậu không ổn định; hay ảnh hưởng của hoạt động sản xuất nông nghiệp, các sản phẩm thải của nông dược làm môi trường càng ngày ô nhiễm. Tuy nhiên, nguyên nhân quan trọng nhất chính là do hoạt động khai thác thủy sản mang tính hủy diệt của người dân, không tuân theo các quy định về bảo vệ nguồn lợi thủy sản như sử dụng chất nổ, chất độc, xung điện và lưới có kích thước mắc lưới nhỏ (lưới cước) để khai thác thủy sản từ nhiều năm qua. Thế nhưng cho đến nay, tình trạng này vẫn tiếp tục, dẫn đến nguy cơ cạn kiệt.

 

Ông Nguyễn Trạng Sư, Phó Chủ tịch UBND huyện Hồng Ngự, cho biết: “Năm 2013, toàn huyện có 72 xuồng ghe khai thác thủy sản, trong đó chỉ có 16 chiếc có đăng ký. Người khai thác đa số là không chuyên nghiệp, những hộ khó khăn, hộ gia đình khai thác mang tính thủ công theo mùa nước nổi nên khả năng tiếp cận các văn bản pháp luật của nhà nước về khai thác và bảo vệ thủy sản còn hạn chế. Đây là yếu tố khó khăn cho việc quản lý và phát triển nguồn lợi thủy sản và hậu quả là giá trị khai thác thủy sản đạt thấp”.


Theo Chi cục Thủy sản - Sở NN&PTNT tỉnh Đồng Tháp, dù đã áp dụng khung xử phạt mới theo Nghị định 103 của Chính phủ về khai thác thủy sản với mức phạt cao gần gấp đôi so với mức cũ nhưng vẫn không đủ sức răn đe. “Vì khai thác thì lợi nhuận mang lại vẫn cao gấp nhiều lần so với mức phạt. Chính vì vậy, việc kiểm tra xử lý gặp rất nhiều khó khăn. Khi phát hiện lực lượng kiểm tra, chủ phương tiện quẳng ngư cụ xuống sông để che đậy hành vi của mình, nhiều ngư cụ mang tính hủy diệt đã được tìm thấy nhưng không xử phạt được”, ông Dương Trường Thọ, Phó Chi cục Thủy sản, cho biết.


Để bảo đảm việc khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, vừa qua chính quyền tỉnh Đồng Tháp đã xây dựng kế hoạch triển khai chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản. Theo đó, mục tiêu cụ thể hướng đến việc khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản; hàng năm tổ chức thả cá giống vào thủy vực tự nhiên nhằm phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản ở các sông, kênh rạch và các vùng đất ngập nước. Quan trọng nhất là tiếp tục tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức và tăng cường xử lý các hộ sử dụng lưới có kích thước nhỏ, mắc lưới nhỏ hơn quy định để khai thác thủy sản. Đến năm 2015, tỉnh Đồng Tháp sẽ hoàn thành việc quy hoạch các vùng cấm khai thác, vùng cấm khai thác theo mùa và đồng thời công bố danh sách các loài bị cấm khai thác và các ngư cụ bị cấm sử dụng.


Trước mắt, trong mùa lũ năm nay, Chi Cục thủy sản tỉnh tăng cường phối hợp với các ngành chức năng tổ chức tuần tra, kiểm tra các phương tiện đánh bắt thủy sản nhằm hạn chế tình trạng sử dụng các loại ngư cụ trái phép; tăng cường tuyên truyền trong người dân nâng cao nhận thức bảo vệ các nguồn lợi thủy sản.

 

Bài và ảnh: A.Đ

“Mùa vàng” từ con nước sông Tiền, sông Hậu - Bài cuối: Rộn ràng “trẩy hội” mùa nước nổi
“Mùa vàng” từ con nước sông Tiền, sông Hậu - Bài cuối: Rộn ràng “trẩy hội” mùa nước nổi

Người dân các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hay gọi mùa lũ về là mùa nước nổi. Các du khách cũng thường tìm về ĐBSCL vào mùa nước nổi để khám phá thiên nhiên và cuộc sống của người dân nơi đây.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN