"Bộ ba" chủ nợ quốc tế của Hy Lạp đều nhận định Athens sẽ phải cần tới gói cứu trợ thứ ba để có thể đảm bảo khả năng tài chính và tránh nguy cơ bị vỡ nợ.Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn nguồn tin từ báo chí sở tại cho biết nhóm "bộ ba" chủ nợ quốc tế - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Ủy ban châu Âu (EC) - cho rằng Hy Lạp cần tiếp tục có "chương trình cứu trợ 3 năm mới". Hiện các chủ nợ đang cân nhắc kéo dài chương trình cứu trợ cho Hy Lạp tới cuối tháng 11 để giúp Athens có thể nhận được gói tài chính trị giá 15,3 tỷ euro nếu như nước này đạt được nhất trí với các đối tác về điều kiện kéo dài chương trình cứu trợ vào ngày 30/6 tới.
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (trái), Thủ tướng Italy Matteo Renzi và Thủ tướng Đức Angela Merkel trước hội nghị thượng đỉnh EU ngày 25/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trước đó, Chủ tịch Nhóm Bộ trưởng Tài chính Eurozone Jeroen Dijsselbloem cho biết vấn đề nợ của Hy Lạp sẽ được quyết định vào tối 27/6 và trong trường hợp Athens không đưa ra được gói cải cách khả thi thì sẽ là quá muộn để tìm ra lối thoát thực sự cho vấn đề này.
Theo các nguồn tin ngoại giao, một ngày trước cuộc gặp quyết định của các Bộ trưởng Tài chính Eurozone tại thủ đô Brussel của Bỉ, Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Francois Hollande. Tại cuộc gặp, Thủ tướng Tsipras đã chỉ trích thái độ cứng rắn của các chủ nợ, khiến cho ông khó tìm được sự đồng thuận. Trong cuộc gặp, ba nhà lãnh đạo đã thảo luận về sự cần thiết của chương trình cải cách, việc gia hạn chương trình cứu trợ và vấn đề tài chính của Hy Lạp.
Đánh giá về khả năng đạt được thỏa thuận giữa Hy Lạp và "bộ ba" chủ nợ, Bộ trưởng Tài chính Đức Wolfgang Schäuble cho rằng hiện cơ hội chỉ là 50/50 và đây sẽ là một quyết định hết sức khó khăn. Ông cảnh báo sẽ không cho phép bất kỳ nước thành viên nào chi tiền quá mức để rồi sau đó dồn gánh nặng sang các nước khác.
Theo người đứng đầu ngành tài chính Đức, nếu để các thị trường mất niềm tin, liên minh tiền tệ của Eurozone sẽ bị phá hủy. Tuyên bố của ông Wolfgang dường như không "ăn khớp" với tuyên bố trước đó của Thủ tướng Angela Merkel khi bà nêu rõ các Bộ trưởng Tài chính Eurozone cần thông qua quyết định về gói cải cách và thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp để tránh cho nước này bị phá sản.