Ngày 25/6 tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU), các nhà lãnh đạo khối này đã tiến hành phiên thảo luận kéo dài 2 giờ đồng hồ về cuộc khủng hoảng nợ của Hy Lạp. Họ đã đặt mốc ngày 27/6 là "cơ hội cuối cùng" để Athens đạt được một thỏa thuận, nếu không EU sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng một "kế hoạch B" nhằm ngăn chặn nguy cơ Hy Lạp phá sản làm tổn hại đến toàn bộ phần còn lại của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).Hội nghị thượng đỉnh bất thường Eurozone về khủng hoảng nợ Hy Lạp ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Cuộc họp ngày 27/6 tới đây của các bộ trưởng tài chính Eurozone được lên lịch sau khi lần thứ 4 trong tuần nhóm tiếp tục không tìm được tiếng nói chung với Athens, bất chấp các cuộc đàm phán nước rút thâu đêm tại Brussels (Bỉ) giữa Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras với các nhà lãnh đạo bộ ba chủ nợ của nước này gồm Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Cuộc đàm phán đã đổ vỡ ngày 25/6 sau khi các chủ nợ yêu cầu ông Tsipras chấp nhận một đề xuất nhượng bộ hoặc đưa ra một kế hoạch "được ăn cả ngã về không" trước các bộ trưởng tài chính Eurozone. Trong khi đó, tại cuộc họp của các bộ trưởng tài chính Eurozone, các bộ trưởng đã xem xét đề xuất riêng của Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis trước khi quyết định ngừng đàm phán.
Một số quan chức nói rằng không có cơ hội nào các chủ nợ chấp nhận đề xuất mới của Hy Lạp và họ đang chuẩn bị các kế hoạch "khoanh vùng" Hy Lạp để ngăn chặn nguy cơ kinh tế biến động vì nước này phá sản. Các kế hoạch khoanh vùng này được cho là bao gồm cả kiểm soát vốn và viện trợ nhân đạo.