Hè về, tôi đưa con về quê nội ở Bến Tre. Lần đầu tiên đi xe ngựa “ thổ mộ ”, con tôi cười ngặt nghẽo và đăm đăm nhìn chú ngựa đang oằn lưng kéo xe chạy lốc cốc trên đường quê. Tiếng lục lạc từ cổ chú ngựa kêu reng reng, vó ngựa phi nhịp nhàng trên những móng sắt. Thấy đôi trâu đang cộ lúa, con tôi lại hỏi: Con gì vậy ba? Tôi im lặng.
Tôi xa quê đã lâu nhưng những kỷ niệm ấu thơ trên vùng quê nghèo cứ đeo đẳng không thể nào quên. Nhớ lắm những ngày lội sông đặt lờ, đặt trúm, cảm giác lâng lâng sung sướng khi bắt được con lươn, con cá đang giãy tìm lối thoát thân. Món ăn khoái khẩu của cả nhà tôi là ba khía trộn tỏi ớt chanh đường ăn với cơm cháy. Mỗi khi nhà có đám thì hàng xóm xúm xít trước mấy hôm để xay bột làm bánh ít, bánh tét, bánh xèo, bánh khọt... Cực nhưng vui, cả xóm vừa làm bánh vừa tán gẫu rôm rả. Đám cưới nhóm họ trước mấy hôm, người thì làm rạp bằng cây đủng đỉnh, người mổ heo, làm gà làm vịt, người lo mượn bàn ghế, huy động cánh văn nghệ miệt vườn. Đêm về cánh đàn ông thì nhâm nhi rượu đế với bộ bài tây, có nhóm tụm năm tụm bảy đờn ca tài tử suốt đêm, phụ nữ thì chơi bài tứ sắc. Đám cưới rước dâu chủ yếu bằng xuồng ghe, có lúc thuê cả đoàn xe ngựa thổ mộ.
Tuổi thơ tôi gắn bó với những chú diều bay lượn. Có gì sang cả đâu, vót tre, trúc làm sườn diều, dán lên đó tờ giấy báo với đủ loại hình dáng là xong. Thả diều lên cao trong gió chiều quê lồng lộng, lũ chúng tôi chia phe đánh “trỏng” hay chơi bông vụ trên mặt ruộng khô cằn sau thu hoạch. Trung thu về là thi nhau làm lồng đèn các loại: Ngôi sao, chiếc thuyền, máy bay, cá chép. Tết đến thì lo quết bánh phồng, làm bánh tráng, mứt dẻo, mứt gừng, mứt dừa, chuối ép...
Nhớ lắm những đêm quê tôi rộn rã, mọi người lũ lượt kéo nhau đi coi chiếu bóng trắng đen màn ảnh rộng hay xem văn công trên tỉnh về biểu diễn. Có người đem theo cả chiếu, thức ăn, thức uống để giành chỗ tốt. Tôi cũng thường đánh trâu chở rơm, đạp lúa, cũng từng ngủ tại đống rơm ngoài đồng trống sau khi gặt để giữ lúa. Tôi còn thường nhổ lông đuôi ngựa để câu cá kèo (chỉ có loại lông này câu mới nhiều cá kèo). Ngựa quyến luyến với chủ rất lạ thường. Quanh năm suốt tháng ngựa không bao giờ nằm xuống (nếu có là đã bị bệnh ).
Lâu lâu về quê, tôi thật buồn và tiếc nuối tuổi thơ. Thời buổi hiện đại nên lũ trẻ thành phố bây giờ chỉ biết hình dáng con ngựa, con trâu qua sách vở, phim ảnh. Thức ăn bây giờ đều “ hiện đại hóa” bằng cách pha chế sẵn, biếng nhác một tí ra chợ là có đủ các loại bánh, mứt, những vật dụng giải trí, sinh hoạt hàng ngày từ bình dân đến cao cấp, đâu dễ tìm những con ba khía tươi nguyên, những chú diều giấy đơn sơ, những chiếc lồng đèn giản dị mà thay vào đó là những chú diều đắt tiền, những chiếc lồng đèn điện tử. Đâu còn những trò chơi dân dã như: Bắn bi, đánh trỏng, bông vụ, đánh đũa, lò cò, thả diều..., đâu đâu cũng nhan nhản tụ điểm truy cập Internet, những quán cà phê lùm tối tăm. Đám cưới thị thành nhanh chóng làm sao, đa số làm ở nhà hàng, chỉ đến giờ tới dự là xong. Hàng xóm cạnh nhà có khi cả đời không bước sang thăm hỏi lẫn nhau, không biết nhà kế bên sinh sống ra sao, làm gì?
Nông thôn bây giờ càng thưa vắng các chú trâu, bò thay vào đó là các máy gặt, máy đập liên hợp, những chiếc máy cày khỏe khoắn tiện lợi hơn nhiều. Ở đâu bây giờ cũng xe và xe. Có nhiều loại phương tiện hàng tỷ đồng. Người ta đã dần quên những chú ngựa thồ phi trên đường xa cũng là lẽ thường. Không còn những buổi xem chiếu bóng công cộng, xem văn công biểu diễn. Ở nhà chỉ cần một chiếc “rờ mốt” ti vi là có đủ cả xem 24/24 giờ không hết các đài truyền hình, sóng có, cáp có.
Dẫu biết xã hội ngày nay đang phát triển một cách nhanh chóng, hiện đại, nhưng tôi cứ thấy buồn, tiêng tiếc một cái gì đó thiêng liêng lắm mỗi lần về thăm quê.
Phục Hưng