Ngày 9/2, các đảng phái chính trị và nhóm phiến quân Houthi theo dòng Hồi giáo Shi'ite tại Yemen nối lại đàm phán nhằm tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị tại quốc gia này.
Binh sĩ Yemen gác tại phủ Tổng thống ở thủ đô Sanaa ngày 6/2. Ảnh: AFP/TTXVN |
Thông báo về việc nối lại đàm phán được Đặc phái viên của Liên hợp quốc (LHQ) tại Yemen Jamal Benomar đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 8/2 tại thủ đô Sanaa. Quyết định nối lại đàm phán được đưa ra sau khi đặc phái viên của LHQ có cuộc tiếp xúc trực tiếp với Abdul Malik al-Houthi, thủ lĩnh nhóm Houthi, và đại điện các đảng phái chính trị lớn tại Yemen.
Động thái trên là nỗ lực mới nhất được kỳ vọng sẽ mang lại sự đồng thuận giữa các đảng phái chính trị và lực lượng Houthi nhằm lấp chỗ trống quyền lực sau khi Tổng thống Abdrabu Mansour Hadi và thủ tướng cùng chính phủ đệ đơn từ chức hồi cuối tháng trước.
Cùng ngày, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã kêu gọi khôi phục quyền lực cho Tổng thống Yemen Mansour Hadi, người được cộng đồng quốc tế công nhận là người lãnh đạo quốc gia thuộc vùng Vịnh này.
Phát biểu sau cuộc hội đàm với Quốc vương Saudi Arabia Samal, TTK Ban Ki-moon cho rằng tình hình hiện nay tại Yemen đã xấu đi nghiêm trọng với việc phiến quân Houthi tiếm quyền và đẩy đất nước vào tình trạng vô chính phủ. Vì vậy, việc cần thiết là khôi phục quyền lực hợp pháp của Tổng thống Mansour Hadi.
Tuyên bố trên của TTK Ban Ki-moon được đưa ra trong bối cảnh phiến quân Houthi hôm 6/2 vừa qua đơn phương thông báo thành lập một “hội đồng tổng thống” để tiếp quản quyền lực và tiến tới xây dựng một “hội đồng dân tộc” gồm 551 thành viên thay thế quốc hội hiện hành. Động thái này của Houthi đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ trong nước và cộng đồng quốc tế. Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) ngày 7/2 đã miêu tả động thái của lực lượng Houthi là hành vi “đảo chính”, trong khi Hội đồng Bảo an LHQ cũng cho biết “sẵn sàng có các động thái tiếp theo” nếu các cuộc đàm phán do LHQ làm trung gian nhằm giải quyết cuộc khủng khoảng tại Yemen không được nối lại “ngay lập tức”.
Yemen rơi vào khủng hoảng kể từ từ tháng 9/2014, khi phiến quân Houthi tiến đánh và chiếm thủ đô Sanaa, đẩy đất nước vào một cuộc nội chiến và tạo điều kiện cho các nhánh khủng bố al-Qaeda gia tăng hiện diện trong các bộ lạc người Hồi giáo Sunni ở Yemen, cũng như viễn cảnh miền Nam nước này đòi li khai.
TTXVN/Tin tức