Nhằm tháo gỡ những khó khăn mà các dự án BOT giao thông đang phải đối mặt, nhất là đối với dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận cơ chế đặc thù dành cho các dự án. Theo đó, lãnh đạo các địa phương có dự án đi qua sẽ phải chịu trách nhiệm về giải phóng mặt bằng nhanh chóng và dứt điểm, trên cơ sở đền bù, hỗ trợ di dời dân theo chính sách hiện hành.
Ông Lê Ngọc Hoa, Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 4 (Cienco 4) cho rằng: Thời gian thu hồi dự án BOT khá lâu, có rất nhiều sự kiện có thể xảy ra, trong đó có cả thiên tai địch họa. Vì vậy, các nhà đầu tư mong muốn các địa phương minh bạch, công khai, cởi mở các cơ chế chính sách hỗ trợ chủ đầu tư. Đặc biệt, chính sách thu phí phải có sự thống nhất và nhận được sự đồng tình của người dân nơi có dự án đi qua.
Bộ GTVT cũng đã đề nghị Chính phủ có cơ chế hỗ trợ vốn cho các dự án BOT. Mức tham gia đầu tư của Nhà nước sẽ tùy thuộc vào từng dự án, đủ để tạo sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư và tiết kiệm nguồn ngân sách. Hiện nay, Bộ GTVT đang khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BOT quốc lộ 1, trong đó tập trung giải quyết các khó khăn về vốn điều lệ, các điều kiện vay vốn trung, dài hạn… cho các chủ đầu tư.
Theo Bộ GTVT, đến đầu tháng 7/2013, Bộ GTVT đã khởi công được 16/17 hợp đồng BOT mở rộng quốc lộ 1 và 3/3 hợp đồng BOT của quốc lộ 14 qua Tây Nguyên. Các chủ đầu tư của các dự án BOT khác cũng đang rốt ráo hoàn tất công tác chuẩn bị, để có thể triển khai thi công đại trà trong thời gian sớm nhất.
Ngoài “cú hích” nhỏ trên công trường, các chủ đầu tư dự án BOT giao thông cũng vừa chính thức đón nhận thêm một loạt cơ chế quản lý và thực hiện đặc thù với nhiều ưu đãi được Thủ tướng Chính phủ ban hành tại Văn bản 979/TTg - KTN về một số cơ chế quản lý và thực hiện các dự án đầu tư trên quốc lộ 1 đoạn Hà Nội - Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên.
Theo đó, các chủ đầu tư BOT thực hiện dự án nâng cấp, mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 được hưởng nhiều chính sách ưu đãi như: Được phép thu phí hoàn vốn dự án với mức giá bằng 3,5 lần giá vé theo quy định tại Thông tư 90/2004/TT - BTC của Bộ Tài chính. Mức giá vé được phép 3 năm điều chỉnh một lần, mỗi lần tăng 15%. Thủ tướng Chính phủ cũng đã đồng ý để Bộ GTVT áp dụng hình thức chỉ định thầu lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức rút gọn và không giảm 5% giá dự toán.
“Đây là những cơ chế, chính sách hợp lý để động viên nhà đầu tư thuộc nhiều thành phần bỏ vốn đầu tư vào các công trình trọng điểm quốc gia”, ông Bùi Pháp, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long - Gia Lai (đơn vị tham gia đầu tư một dự án thành phần BOT mở rộng quốc lộ 14) cho biết.
Đối với các nhà đầu tư là các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, “vòng kim cô” về việc đầu tư vốn cũng được cởi bỏ khi Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho các đơn vị này được huy động vốn cho các dự án BOT vượt quá 3 lần vốn điều lệ của công ty. Ngoài ra, trước lo ngại về nguy cơ vỡ tiến độ các dự án do vướng giải phóng mặt bằng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về nguyên tắc thành lập Ban Chỉ đạo giải phóng mặt bằng, tái định cư tại các địa phương và huy động vốn ngân sách địa phương, nguồn vốn hợp pháp khác để khẩn trương xây dựng các khu tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng.