Việc triển khai các dự án giao thông theo hình thức hợp tác BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) là một trong những phương thức hiệu quả để giải bài toán thiếu vốn đầu tư. Tuy nhiên, quá trình thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc, nên chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Cầu vượt tại nút giao quốc lộ 1 - tỉnh lộ 10, thuộc địa bàn quận Bình Tân (TP Hồ Chí Minh), thuộc dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 1 đoạn An Sương - An Lạc, do IDICO làm chủ đầu tư theo hình thức BOT. |
Gần 10 năm trở lại đây, hệ thống hạ tầng giao thông Việt Nam đã có sự cải thiện mạnh mẽ nhờ được đầu tư lớn từ nguồn vốn ngân sách cũng như các nguồn vốn vay ưu đãi của nước ngoài.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Hồng Trường, điểm xuất phát của hệ thống kết cấu hạ tầng thấp, nhu cầu vốn đầu tư lớn trong khi nguồn lực hạn chế, dẫn đến đa số nguồn vốn đầu tư hiện nay tập trung cho phát triển giao thông đường bộ. Ngành GTVT chưa phát huy được thế mạnh và tạo được sự kết nối đồng bộ của các lĩnh vực vận tải để làm tăng hiệu quả của toàn hệ thống. Việc chuyển đổi hình thức đầu tư hạ tầng giao thông từ ngân sách nhà nước sang BOT là cần thiết.
Hiện nay, Bộ GTVT đang tập trung mọi nguồn lực ưu tiên đầu tư xây dựng trục giao thông Bắc - Nam (gồm đường bộ và đường sắt cao tốc) và các tuyến giao thông phục vụ các hành lang kinh tế trọng điểm như: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Ðông - Tây, miền Trung, Tây Nam Bộ, ven biển, cũng như các tuyến đường nối tới các cảng biển nước sâu, sân bay quốc tế… nhằm thông thương, rút ngắn khoảng cách vùng miền, góp phần hạ giá thành vận tải, thu hút môi trường đầu tư.
Trong danh mục các dự án kêu gọi vốn đầu tư giai đoạn 2011-2015, Bộ GTVT có tổng cộng dự án hạ tầng, gồm: 18 dự án đường bộ, 3 dự án cảng hàng không, 14 dự án đường sắt và 3 dự án cảng biển, với tổng mức đầu tư lên tới gần 800.000 tỷ đồng. Điểm đáng chú ý trong danh mục các dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn này, có nhiều dự án đã nằm trong danh sách kêu gọi đầu tư vốn nước ngoài, theo hợp đồng BOT do Bộ GTVT quản lý giai đoạn 2006 - 2010. Điều này cho thấy không ít dự án BOT giao thông đã thất bại trong việc kêu gọi vốn đầu tư thời gian qua.
“Tối hậu thư” cho các dự án BOT Tại hội nghị triển khai công tác giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông các dự án đầu tư mở rộng quốc lộ 1A đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ và dự án đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên mới đây, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu 23 địa phương có các dự án đi qua phải tập trung cả hệ thống chính trị vào công tác giải phóng mặt bằng. Bộ trưởng Bộ GTVT phải ra quyết định thu hồi dự án. Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với đề xuất của Bộ GTVT về việc sẽ thu hồi những dự án BOT không có khả năng thực hiện, đồng thời yêu cầu hai dự án mở rộng quốc lộ 1 và quốc lộ 14 phải hoàn thành trong năm 2016. Phó Thủ tướng cũng thống nhất cho ứng 5.000 tỷ đồng để các địa phương giải phóng mặt bằng, đồng thời yêu cầu không để xảy ra tình trạng kê khống tài sản để nhận đền bù như xây nhà, trồng cây giả. |
Đến năm 2012, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh còn tồn nhiều dự án BOT giao thông hiện vẫn chưa có nhà đầu tư tham gia, do quá trình thu hút đầu tư vào lĩnh vực giao thông đang vướng nhiều rào cản, nhất là tình trạng các cửa ngõ ra vào hai thành phố đang “kín” các trạm thu phí và quy mô nhiều dự án quá lớn. Nhiều chuyên gia nhận định, ngay cả đối với các nhà đầu tư nước ngoài, nếu không hình thành được các tổ hợp nhà đầu tư thì việc huy động đủ vốn đầu tư cho các dự án sẽ rất khó khăn.
Bộ GTVT hiện nay đã phải chia nhỏ dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1 để kêu gọi các nhà đầu tư tham gia. Nếu làm cả tuyến sẽ không có nhà đầu tư nào kham nổi. Toàn tuyến quốc lộ 1 dài 2.300 km, hiện được chia thành 37 dự án, trong đó 17 dự án BOT dài khoảng 560 km, có tổng vốn đầu tư 42.500 tỷ đồng. Các chuyên gia đánh giá, việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ ngân sách nhà nước sang BOT là điều cần thiết trong điều kiện hiện nay, tuy nhiên nhiều nhà đầu tư vẫn còn lưỡng lự khi đầu tư vào các dự án BOT bởi cơ chế, chính sách vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Thêm vào đó, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng của các dự án đang trở thành “nỗi ám ảnh” của các chủ đầu tư dự án BOT giao thông.
Kinh phí để thực hiện dự án BOT giao thông chủ yếu phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng, trong khi các dự án thường có mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn kéo dài. Vì vậy, không phải nhà đầu tư nào cũng muốn tham gia, đặc biệt với mức thu phí theo nhà đầu tư hiện nay còn quá thấp.
Theo Phó chủ tịch Hội Khoa học cầu đường Việt Nam Nguyễn Ngọc Long, hiện có ba rào cản trong việc thu hút vốn đầu tư xã hội vào lĩnh vực quan trọng này, đó là: Chưa tạo được cơ chế thị trường cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng; chưa có cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; chưa có chính sách và hình thức thu phí hợp lý để tạo môi trường hấp dẫn thu hút các nhà đầu tư tư nhân.
PV