Cần nhân rộng mô hình 'cô đỡ thôn bản'

Ngày 23/4, tại Hà Nội, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức Liên Hợp Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội thảo triển khai Thông tư 07 quy định tiêu chuẩn, chức năng và nhiệm vụ của cán bộ y tế thôn bản bao gồm cô đỡ người dân tộc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Giai đoạn 10 năm trước, tử vong mẹ ở khu vực miền núi Việt Nam rất cao: 411/100.000 (miền núi phía Bắc), gấp hàng chục lần so với đồng bằng. Những năm gần đây, tỷ lệ này đã giảm xuống nhiều nhưng vẫn còn cao, trung bình khu vực miền núi, dân tộc tỷ lệ tử vong mẹ cao hơn 3-4 lần so với khu vực đồng bằng. Tỷ lệ đẻ tại nhà hiện vẫn còn cao như Lai Châu: 59%, Điện Biên: 55%, Lào Cai: 53%...

Mô hình “Cô đỡ thôn bản” đã góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN


Nhân lực y tế, đặc biệt là nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và trẻ sơ sinh ở vùng miền núi, dân tộc ít người luôn thiếu trầm trọng. Cán bộ y tế tuyến xã khó có thể thực hiện được những dịch vụ làm mẹ an toàn và chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng cao do giao thông khó khăn, thiếu kinh phí và thiết bị, chế độ chính sách còn chưa đầy đủ.

Ngoài ra, cán bộ người Kinh cũng khó có khả năng thâm nhập, ở lâu với đồng bào dân tộc do phong tục tập quán, văn hóa khác nhau. Sáng kiến đào tạo cô đỡ thôn bản đã góp phần giảm tỷ lệ tử vong mẹ ở các khu vực miền núi, vùng sâu.

Thông tư 07/2013/TT-BYT ra đời đã chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam , là một loại hình của nhân viên y tế thôn bản. Đội ngũ này được đào tạo và có chính sách thỏa đáng để động viên, ổn định công việc.

Thông tư cho thấy sự cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam trong việc thúc đẩy quá trình đạt được các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về y tế và cứu sống bà mẹ và trẻ em.

Từ năm 1998 tới nay, đã có khoảng 1.300 cô đỡ thôn bản được các chương trình, dự án khác nhau đào tạo. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu thực tế. Thiếu nhân lực, không có sẵn các dịch vụ làm mẹ an toàn có tính nhạy cảm về mặt văn hóa và các rào cản văn hóa khác là những thách thức chủ yếu hạn chế sự tiếp cận của phụ nữ tới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản ở khu vực miền núi và các vùng khó tiếp cận.

Tại hội nghị, đại diện của các tỉnh đã cùng chia sẻ kinh nghiệm về cách tổ chức đào tạo cho cô đỡ thôn bản người dân tộc và sử dụng họ như thế nào giúp cải thiện sức khỏe bà mẹ và trẻ em ở khu vực dân tộc miền núi. Theo đó, cần thiết phải củng cố hệ thống y tế và đầu tư cho cán bộ y tế thôn bản với các kỹ năng hộ sinh, và đảm bảo tất cả mọi người đều được cấp cứu kịp thời khi có tai biến xảy ra. Nếu các can thiệp này được thực hiện một cách toàn diện ở Việt Nam thì không những giúp cứu sống được nhiều người mà còn giúp cải thiện hiệu quả kinh tế và xã hội của quốc gia.

Bà Mandeep K.O’Brien, Quyền trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam cho biết: Đầu tư nhân lực cho y tế là một trong những đầu tư có hiệu quả nhất mà mỗi quốc gia có thể làm. Mô hình đào tạo cho cán bộ y tế thôn bản, bao gồm cô đỡ thôn bản người dân tộc và vai trò chính thức của họ trong hệ thống y tế nên được nhân rộng tại các khu vực miền núi và vùng khó khăn. Nếu làm được việc này thì Việt Nam có thể đạt được những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ về y tế ở mỗi tỉnh trong các nhóm dân tộc thiểu số, ở cả nông thôn và thành thị.


N. Anh
Tìm cách "đỡ đầu" cho cô đỡ thôn bản
Tìm cách "đỡ đầu" cho cô đỡ thôn bản

Tiến sĩ Lưu Thị Hồng, Phó Vụ trưởng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, khó khăn đối với các cô đỡ thôn bản hiện nay là thiếu một số chính sách hỗ trợ về lương, mức thưởng động viên, phí đi lại, hỗ trợ nhà ở, ngân sách thường xuyên để đào tạo lại.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN