Cần thuyết phục hơn về sự an toàn của Quinvaxem

Sau nhiều vụ tai biến sau tiêm vắcxin 5 in 1 Quinvaxem xảy ra thời gian gần đây, dù Bộ Y tế đã khẳng định về tính an toàn của vắcxin này, nhưng nhiều người dân vẫn rất hoang mang và tỏ ra lo ngại khi không tiêm cũng sợ mà tiêm lại càng sợ. “Hết cách”, nhiều người còn chấp nhận ra nước ngoài tiêm chủng cho con.


Không dám “đánh cược”

Chị Vũ Hoàng Linh Chi (Đống Đa, Hà Nội) thở phào nhẹ nhõm khi con chị vừa tiêm xong mũi 3 vắcxin 5 in 1 mà chỉ bị sốt nhẹ 1 ngày. Chị cho biết: “Còn thiếu mũi 3 vắcxin 5 trong 1 nhưng chờ mãi vẫn chưa có vắcxin dịch vụ, nên tôi “đánh liều” cho con tiêm vắcxin Quinvaxem. Tiêm xong mà tới 2 ngày sau cả nhà vẫn cứ lo nơm nớp, may mà cháu không sao”, chị Chi cho biết.

Những vụ tai biến sau tiêm chủng gần đây ảnh hưởng lớn đến niềm tin vào vắcxin trong chương trình TCMR.

Chị Nguyễn Thu Thủy (Thanh Xuân, Hà Nội) cũng lo lắng: “Đã quá lịch hẹn tiêm mũi 5 in 1 nửa tháng rồi mà chờ mãi vẫn chưa có vắcxin dịch vụ, thực hư chất lượng vắcxin Quinvaxem thế nào cũng chưa rõ nên tôi vẫn chưa dám cho con đi tiêm. Nếu có vắcxin dịch vụ thì đắt bao nhiêu cũng cố đầu tư chứ nhất quyết không dám tiêm Quinvaxem”.

Không chỉ chị Chi, chị Thủy, nhiều người dân cũng đang rất hoang mang sau hai vụ tử vong sau tiêm Quinvaxem xảy ra chỉ trong 1 tuần gần đây. Dù các kết quả điều tra đều khẳng định nguyên nhân tử vong là do trùng hợp ngẫu nhiên với bệnh lý của trẻ, không hề liên quan tới chất lượng vắcxin và quy trình tiêm chủng, nhưng hầu hết người dân đều nghi ngờ vì các trường hợp tai biến nặng đều xảy ra sau khi tiêm vắcxin này.

Cũng chính vì sợ nên nhiều người đã “cạch mặt” Quinvaxem, vắcxin dịch vụ vì thế đang “lên cơn sốt” khi bình thường giá các loại vắcxin 5 trong 1, 6 trong 1 được quy định chỉ 700.000 đồng/mũi, nay vì không đủ cung ứng nên đã bị “đội giá” lên gấp nhiều lần. Hầu hết tại các cơ sở tiêm chủng hiện nay đều dán thông báo hết các loại vắcxin này. Không có vắcxin tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ, nhiều người chấp nhận “tiêm chui”, mua theo con đường “xách tay” với giá “cắt cổ” tới 3- 4 triệu đồng/mũi, vắcxin 6 trong 1 còn tới 15- 20 triệu đồng/gói 3 mũi tiêm. Thậm chí nhiều gia đình có điều kiện còn sẵn sàng cho con sang Thái Lan, Singapore… với các gói dịch vụ kết hợp đi du lịch và tiêm chủng tại các bệnh viện ở nước ngoài cho an toàn.

GS.TS Nguyễn Trần Hiển, Chủ tịch Hội Y học dự phòng Việt Nam: Vì thiếu niềm tin với vắcxin trong nước, một số gia đình có điều kiện đã cho trẻ ra nước ngoài tiêm chủng, tuy nhiên điều này thực sự không cần thiết và lãng phí vì không có sự khác nhau về quy trình, chất lượng vắcxin. Dù vắcxin được khẳng định là an toàn, nhưng không phải là an toàn 100% và không phải hoàn toàn không có nguy cơ gây phản ứng sau tiêm chủng. Tại nhiều nước như: Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn có những trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng với các vắcxin 5 trong 1, viêm gan B, HPV… được báo cáo hàng năm.

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, Bộ Y tế đã nghiêm cấm tất cả việc lợi dụng việc khan hiếm vắcxin để trục lợi, đẩy giá lên cao, vì vắcxin cũng giống như thuốc, đã có quy định về giá. Tiêm chủng phải được thực hiện tại các cơ sở y tế, “tiêm chui” là vi phạm quy trình tiêm chủng, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt nghiêm minh. Bộ Y tế cũng kiên quyết nghiêm cấm việc tiêm vắcxin tại nhà vì điều này ẩn họa nhiều nguy hiểm, bất cứ loại vắcxin nào cũng có nguy cơ gây sốc, nên nếu không xử lý kịp, sẽ ảnh hưởng tới tính mạng trẻ. Đồng thời khuyến cáo người dân không nên sử dụng nguồn hàng trôi nổi (nếu có) vì sẽ không bảo đảm được chất lượng, quy trình bảo quản, giá thành cao.

Không thể “bỏ ngỏ” tiêm chủng

Theo bác sĩ Nguyễn Trọng An - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu đào tạo và phát triển cộng đồng, cần phải có những bằng chứng mạnh mẽ hơn để thuyết phục người dân về chất lượng vắcxin Quinvaxem. Hầu hết các ca tử vong sau tiêm thời gian qua đều được Hội đồng chuyên môn do Bộ Y tế tự thành lập kết luận là do trùng hợp với các bệnh lý khác, tử vong không rõ nguyên nhân… thì sẽ thiếu khách quan, minh bạch, chắc chắn người dân sẽ nghi ngờ và không dám tiêm cho con vì sợ rủi ro.

Cũng theo ông An, nếu để người dân hoang mang, nghi ngờ, sau đó bỏ tiêm chủng thì sẽ dẫn đến tác hại rất lớn. Hàng triệu trẻ em sẽ có nguy cơ mắc bệnh hiểm nghèo, chi phí y tế tốn kém, chất lượng dân số sụt giảm. Vì vậy, trong Hội đồng chuyên môn cần có những chuyên gia y tế độc lập để đảm bảo tính khách quan, việc khám sàng lọc cũng cần kỹ càng hơn để hạn chế những ca tử vong do trùng hợp bệnh lý ngẫu nhiên này.

“Nếu sự khẳng định và đảm bảo của WHO và Bộ Y tế về tính an toàn của Quinvaxem vẫn còn khiến người dân nghi ngờ, chưa đủ tin tưởng thì nên tiến hành một cuộc kiểm nghiệm chính thức chất lượng của vắcxin này và mời thêm các chuyên gia từ các nước phát triển như Anh, Pháp, Mỹ… tham gia kiểm nghiệm và thông báo kết quả cho người dân”, GS.TS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết.
PV
WHO: Quinvaxem là vắc xin an toàn, hiệu quả
WHO: Quinvaxem là vắc xin an toàn, hiệu quả

Hiện nay, nhiều gia đình có trẻ nhỏ rất lo lắng về chất lượng của vắc xin Quinvaxem (5 trong 1) trong chương trình tiêm chủng mở rộng sau một số vụ trẻ tử vong sau khi tiêm loại vắc xin này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN