Việc Canada cử năm bộ trưởng, gồm Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Ed Fast, Bộ trưởng Ngoại giao John Baird, Bộ trưởng Phát triển Quốc tế và Cộng đồng Pháp ngữ Christian Paradis, Bộ trưởng Tài chính Joe Oliver, và Bộ trưởng Công nghiệp James Moore tham dự Hội nghị thường niên Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) Davos 2015 vừa qua cho thấy nước này rất coi trọng sự kiện này.
Theo báo chí Canada, diễn ra từ ngày 21 đến 24/1 với chủ đề "Tái định hình trật tự thế giới: Những tác động lên xã hội, chính trị và kinh tế", WEF Davos 2015 với chương trình nghị sự gồm 280 phiên họp đã thảo luận về nhiều vấn đề, từ tăng trưởng kinh tế, hợp tác phát triển, các vấn đề xã hội đến môi trường, xung đột địa chính trị, dịch bệnh, năng lượng mới, an ninh lương thực, tương lai của mạng Internet đến sự phát triển hệ thống tài chính,...
Cả năm bộ trưởng được Canada cử đi đã hoạt động tích cực tại các diễn đàn quan trọng, tổ chức nhiều cuộc họp song phương với các đối tác chủ chốt, cũng như với doanh nghiệp và tổ chức xã hội dân sự liên quan.
Phát biểu của các đại diện Canada tại Hội nghị cũng thể hiện những vấn đề nước này quan tâm là: Canada ủng hộ quan hệ đối tác công-tư (PPP) nhằm cải thiện an ninh lương thực toàn cầu, trong đó tập trung vào khu vực ASEAN; tăng cường thúc đẩy vai trò lãnh đạo của Canada và tầm quan trọng của quan hệ đối tác trong cuộc chiến chống đói nghèo toàn cầu; cam kết ủng hộ sáng kiến phát triển khu vực châu Á của WEF; thúc đẩy quan hệ đối tác với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Đáng chú ý, Việt Nam cũng là một trong 3 nước tại khu vực châu Á (Indonesia, Philippines, và Việt Nam) được Canada cam kết ưu tiên hỗ trợ phát triển nông nghiệp.
Giới chuyên gia kinh tế và quan chức Canada cho rằng, WEF 2015 diễn ra trong bối cảnh kinh tế thế giới đang dần thoát khỏi giai đoạn suy thoái, với dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,3% trong năm 2014 và 3,8% trong năm 2015.
Tuy nhiên, vẫn còn những lo ngại về rủi ro kinh tế như tình trạng thiếu việc làm, các cuộc khủng hoảng tài chính,... Đúng như lời nhận xét của Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde: Một số nền kinh tế chủ chốt vẫn còn phải vật lộn với tình trạng giảm phát, vẫn còn hơn 200 triệu người thất nghiệp. Nhiều nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ bị mắc kẹt trong một giai đoạn tăng trưởng chậm kéo dài và ít tạo thêm được việc làm.
Nội dung Hội nghị WEF 2015 là thiết thực và tập trung thẳng vào những vấn đề mà thế giới đang đối mặt. Hội nghị đã chỉ ra 10 nguy cơ hàng đầu thế giới trong vòng 10 năm tới lần lượt là: Nguy cơ xung đột quốc tế; Tình trạng thời tiết cực đoan; Thất bại của hệ thống quản trị quốc gia; Khủng hoảng hay sự sụp đổ nhà nước; Thất nghiệp; Thảm họa thiên tai; Thất bại trong việc thích ứng với biến đổi khí hậu; Khủng hoảng nguồn nước; Gian lận hay đánh cắp dữ liệu; Các vụ tấn công mạng.
Một điểm mới tại diễn đàn năm nay là vấn đề khoảng cách giàu – nghèo. Trước thềm Hội nghị, WEF đã đánh giá tình trạng bất bình đẳng nghiêm trọng về thu nhập là một nguy cơ hàng đầu đối với thế giới trong ba năm qua. Bên cạnh sự phát triển nóng, khoảng cách giàu - nghèo đã tăng đáng kể ở nhiều nền kinh tế mới nổi.
Tình trạng bất bình đẳng ở Trung Quốc cao hơn 50% so với thời điểm trước khi cải cách, cao hơn so với các nền kinh tế thị trường tự do như Anh và Mỹ, và cao gấp đôi so với các nền kinh tế thị trường xã hội. Tại các nước giàu tình trạng bất bình đẳng cũng tăng vọt.
Với các phiên thảo luận hiệu quả, WEF 2015 phần nào đã giúp giới lãnh đạo chính trị, kinh doanh hiểu bối cảnh mới hơn từ đó có những hành động phối hợp thiết thực trong việc giải quyết những thách thức chung. Với nhiệm vụ phục vụ cộng đồng quốc tế như là một nền tảng cho hợp tác công-tư, Diễn đàn kinh tế tại Davos đã góp phần thúc đẩy sự hợp tác này nhằm giải quyết những thách thức mà tất cả các nước đang phải đối mặt cũng như xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau.
Lê Hoàng (P/v TTXVN tại Canada)