Ngày 10/4, bác sĩ Lê Thị Hồng Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Yên Bái cho biết, trên địa bàn vừa xuất hiện ổ dịch tay chân miệng tại Trường mầm non thôn Tà Chơ, xã Bản Công, huyện Trạm Tấu với 6 trẻ bị mắc. Nếu trong quý I/2012, toàn tỉnh chỉ có gần 150 trẻ mắc bệnh, thì từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có 229 trẻ mắc bệnh tay chân miệng. Trước đó, tại một số huyện trong tỉnh cũng đã xuất hiện một số ổ dịch tay chân miệng với hàng chục trẻ mắc bệnh.
Ngay khi phát hiện ra ổ dịch, Trung tâm Y tế các huyện đã phối hợp cùng Phòng Giáo dục tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng quanh khu vực trường, lớp; tẩy rửa đồ dùng sinh hoạt và cho các học sinh nghỉ học để điều trị bệnh, tránh lây lan sang học sinh khác.
Trẻ em bị bệnh-tay-chân miệng điều trị tại Bệnh viện Nhiệt Đới TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN. |
Bác sĩ Vân cũng cảnh báo, tuy năm nay tại Yên Bái chưa phát hiện trường hợp nào mắc bệnh tay chân miệng có căn nguyên là chủng virus EV71 (là chủng có độc lực mạnh dễ gây tử vong) nhưng không vì thế mà chủ quan.
Đây là thời điểm bắt đầu "vào mùa" của dịch bệnh nên bệnh chân tay miệng sẽ diễn biến rất phức tạp và được cảnh báo sẽ còn lây lan rộng nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.
Đến nay, bệnh tay chân miệng đã xuất hiện tại 9/9 huyện, thị, thành phố. Vì vậy, ngay khi thấy trẻ có các triệu chứng bệnh như sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy vài lần trong ngày... thì các bậc phụ huynh nên đưa trẻ đến cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời, tránh trường hợp đánh tiếc xảy ra.
* Từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau ghi nhận hơn 650 ca bệnh tay chân miệng, tăng 18% so cùng kỳ năm trước. Số ca nhập viện điều trị bệnh tay chân miệng tại Bệnh viện Sản-nhi và các bệnh viện đa khoa huyện, thành phố với số lượng đông, gây quá tải trong công tác điều trị.
Điều đáng lo ngại, bệnh có nguy cơ lan rộng ở các điểm nhà trẻ, mầm non, mẫu giáo, nhất là các điểm trông giữ trẻ tư nhân.
Căn bệnh nguy hiểm này đang gia tăng nhanh và đang "hoành hành’’ ở 9/9 huyện, thành phố của tỉnh Cà Mau.
Bác sĩ Nguyễn Thanh Dân, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Cà Mau nhận định: Nguyên nhân làm dịch bệnh kéo dài do người dân nhận thức chưa đầy đủ về bệnh tay chân miệng.
Để giảm tỷ lệ mắc trong thời gian tới, Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tại tỉnh Cà Mau tăng cường công tác phối hợp, có kế hoạch tổ chức tập huấn cho giáo viên nắm vững kiến thức và biện pháp phòng bệnh tay chân miệng.
Trung Kiên, Kim Há