Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài 2

Bài 2: Khoảng trống trong nhận thức


 

Thiếu nội dung về chủ quyền biển đảo trong sách giáo khoa Lịch sử các cấp học là một bằng chứng nữa chứng minh rằng chương trình giáo dục của chúng ta “quá tải” nhưng vẫn thiếu những tri thức cần thiết.

 

Quang cảnh hội thảo về sách giáo khoa lịch sử ở trường phổ thông. Ảnh: CTV

 

Những chuyện buồn thường gặp


ThS Trần Vân Anh (khoa Xã hội, trường Cao đẳng sư phạm Hà Nội) kể lại hai câu chuyện mà chị đã chứng kiến:


Câu chuyện thứ nhất về một du học sinh Việt Nam đang học tập tại Mỹ. Trong lúc tình hình trên Biển Đông đang có nhiều diễn biến căng thẳng, được dư luận thế giới quan tâm, một người bạn Mỹ đã hỏi một du học sinh Việt Nam về Biển Đông, về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Điều đáng buồn là du học sinh đó không thể trả lời. Nhưng cũng câu hỏi đó, một du học sinh Trung Quốc lại trả lời rành mạch, rõ ràng những điều mà anh ta đã được học, khẳng định rằng Biển Đông và các quần đảo trên là của Trung Quốc.


Câu chuyện thứ hai của một phụ nữ Việt Nam lấy chồng và sinh sống tại Trung Quốc. Chị là một người lao động chân tay bình thường, hàng ngày tiếp xúc và có tranh luận về chủ đề này với những người bản xứ cũng là người lao động như chị. Trong một lần về quê thăm họ hàng, chị bảo: “Giá mà mình biết chắc chắn, mình sẽ tranh cãi đến cùng. Một góc vườn nhà mình mà bị hàng xóm chiếm, mình sẽ phải dẫn ra từ đời ông bà, ông vải tôi đã trồng cây gì ở đất ấy rồi, nữa là cả một cái biển rộng và bao nhiêu là đảo. Nhưng mà, mình có biết gì đâu...”. Chị nói thế, như tự bào chữa cho mình, nhưng nghe ra, đó là một sự trách móc.


Tại sao từ người lao động chân tay cho đến du học sinh Trung Quốc đều có thể thông thạo kiến thức về Biển Đông theo quan điểm của họ, trong khi cũng những thành phần xã hội đó (một người lao động bình thường cho đến một du học sinh) của Việt Nam lại không có đủ hiểu biết về chủ quyền biển đảo, một phần thiêng liêng của lãnh thổ Việt Nam? Không chỉ những người Việt Nam ở nước ngoài không trả lời được những câu hỏi về chủ quyền biển đảo, mà không ít người Việt Nam ở trong nước cũng rất lúng túng nếu phải trả lời những câu hỏi này. Họ đều có một điểm chung là: Trường phổ thông ở Việt Nam không trang bị cho họ những tri thức cần thiết về chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

 

Trông sách của “người”...


Theo TS Nguyễn Thị Thu Thủy (Khoa Lịch sử, Đại học Sư phạm Hà Nội): “Đường chữ U” được chỉ sử dụng trong các bản đồ có tính chính thống của Trung Quốc từ năm 1948. Tên của bản đồ này là “Nam hải chư đảo vị trí đồ” cho thấy đó chỉ là bản đồ cho biết vị trí các đảo trong Biển Đông (Nam Hải) chứ không phải là bản đồ chính trị - hành chính. Bản đồ “đường chữ U” không thể là cơ sở cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Trung Quốc cũng cho thấy rõ sự lúng túng vì thiếu căn cứ khi sử dụng bản đồ “đường chữ U” minh họa các sự kiện lịch sử trước năm 1948. Trong suốt một thời gian dài, mặc dù cả Chính phủ Trung Hoa dân quốc lẫn Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa chưa bao giờ đưa ra lời tuyên bố hoặc giải thích chính thức về “đường chữ U” đó, nhưng họ đã sử dụng bản đồ này khá rộng rãi để tuyên truyền cho chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, trong đó SGK là một kênh quan trọng trong chiến lược tuyên truyền đó.


Điểm qua bộ sách giáo khoa (SGK) Lịch sử và xã hội cho học sinh Trung Quốc đã thấy sử dụng khoảng trên dưới 40 bản đồ có vẽ “đường chữ U”. Các bản đồ đều thể hiện “đường chữ U” 9 đoạn nối liền với đường biên giới trên đất liền của Trung Quốc như một cách (nghiễm nhiên) khẳng định chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Mặc dù trong sách không có một dòng chữ nào về nguồn gốc lịch sử của bản đồ “đường chữ U”, cũng không có một dòng chữ nào trực tiếp khẳng định chủ quyền của Trung Quốc đối với vùng biển trong “đường chữ U” nhưng sự xuất hiện lặp đi lặp lại của các bản đồ có “đường chữ U” đã xây dựng hình ảnh một đất nước Trung Quốc rộng lớn với vùng biển là toàn bộ diện tích trong “đường chữ U” 9 đoạn, chiếm gần hết Biển Đông.

 

Ngẫm sách của ta...


Đến nay, chương trình môn Lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông chưa có dòng nào nói về chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông và hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa. Hai quần đảo này chỉ được vẽ trong các tấm bản đồ, lược đồ. SGK Lịch sử lớp 9 và 12, trong nội dung Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, trên lược đồ hiển thị mũi tiến công trên biển của hải quân ta giải phóng Trường Sa, nhưng không có thuyết minh cho điều đó. Còn về quần đảo Hoàng Sa, trên lược đồ chỉ vẻn vẹn dòng chú thích: Quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam).


Sách giáo khoa (SGK) Lịch sử Việt Nam hiện nay được trình bày trên hai kênh: kênh chữ và kênh hình. Trong SGK Lịch sử từ lớp 10 đến lớp 12 ở cả hai ban Nâng cao và Cơ bản đều không có mục nào trong phần kênh chữ đề cập đến vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa ở cả phần kiến thức trọng tâm và kiến thức tham khảo, đọc thêm. Tình trạng này diễn ra tương tự ở SGK Lịch sử bậc THCS và SGK Lịch sử và Địa lý ở lớp 4 và lớp 5. Trong 9 năm học lịch sử (kể cả lớp 4 và lớp 5), học sinh không được đề cập đến vấn đề chủ quyền biển đảo nói chung và vấn đề Hoàng Sa - Trường Sa nói riêng. Vấn đề này chỉ được trình bày gián tiếp thông qua hệ thống bản đồ, lược đồ. Trong 6 quyển SGK Lịch sử của cả hai ban ở bậc THPT chỉ có 6 lược đồ thể hiện vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa. Số lượng này là quá ít so với số trang sách dạy về lịch sử Việt Nam nói chung (từ cổ đại đến năm 2000). Việc giảng dạy về vấn đề chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa là không đủ (nếu không nói là quá ít) so với yêu cầu. Theo phân phối chương trình dành cho giáo viên hiện hành không có yêu cầu về việc trình bày vấn đề trên trong quá trình giảng dạy và trong thực tế cũng thường bị giáo viên bỏ qua. Cả nội dung trong SGK lẫn trong quá trình giảng dạy thực tế ở nhà trường đều không đủ đáp ứng việc cung cấp tri thức về chủ quyền biển đảo và Hoàng Sa, Trường Sa cho học sinh.


Đó là chưa kể: Vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa được đề cập đến trong SGK dễ gây nên tranh cãi, thắc mắc đối với học sinh.


Một trong những nhà khoa học đi đầu trong nghiên cứu và giảng dạy về chủ quyền biển đảo Việt Nam - GS. TS Nguyễn Quang Ngọc - tại cuộc Hội thảo Dạy và học lịch sử ở trường phổ thông (Đà Nẵng, 8/2012) nêu câu hỏi: “Thế mà có cả một thời gian dài vấn đề hiển nhiên và trọng đại này lại bị coi là “nhạy cảm” để rồi lịch sử của một đất nước, một cộng đồng dân cư sinh ra trên bờ biển, sống cùng biển, chết không rời biển lại không có lấy một dòng nào về chủ quyền biển đảo thiêng liêng. Ai là người phải chịu trách nhiệm trước cả tiền nhân và hậu thế về sự lệch lạc này của lịch sử đất nước?”.


 

TS. Ngô Vương Anh


Bài cuối: Những câu hỏi cần trả lời

Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài 1
Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài 1

Giáo dục kiến thức lịch sử, địa lý và chủ quyền biển đảo cho học sinh, sinh viên là một nội dung quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh những thông tin “độc” và “hại” đang được phổ biến tràn lan có chủ ý.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN