Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài 1

Bài 1: Trang bị kiến thức để bồi đắp niềm tự hào


 

Giáo dục kiến thức lịch sử, địa lý và chủ quyền biển đảo cho học sinh, sinh viên là một nội dung quan trọng và cấp thiết trong bối cảnh những thông tin “độc” và “hại” đang được phổ biến tràn lan có chủ ý.

 

Đã đến lúc cần đưa chủ đề biển đảo vào sách giáo khoa phổ thông. Ảnh: CTV

 

Đã đến lúc đưa chủ đề chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa phổ thông và cả trong giáo trình cho sinh viên đại học. Đây là điều rất cần thiết và là trách nhiệm (trước hết) của các nhà khoa học, nhà giáo dục.

 

Vị thế đặc biệt


Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam có một vị thế địa - kinh tế và địa - chính trị rất đặc biệt: “Mặt” tiếp liền với Biển Đông với hơn 3.200 km bờ biển, với vùng biển và thềm lục địa rộng lớn, giàu tài nguyên, “lưng” lại dựa chắc vào lục địa châu Á. Việt Nam được ví như một “ban công” hướng ra Thái Bình Dương và là đầu cầu nối Đông Nam Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Trong suốt chiều dài lịch sử, Việt Nam là “ngã ba đường” giao lưu kinh tế, văn hóa của đường bộ và đường biển, giữa phương đông và phương tây. Vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế đặc biệt cuả Việt Nam hấp dẫn nhiều nước “lớn” và cũng là nguyên nhân của các âm mưu thôn tính đã từng xảy ra trong lịch sử.


Khi xảy ra tranh chấp, xung đột, dù cho dư luận vẫn kêu gọi “những cách ứng xử văn minh”, phù hợp với luật pháp quốc tế nhưng những yếu tố chủ yếu ảnh hưởng đến kết quả tác động chính là mối tương quan lực lượng thực tế.


Trong cuộc đấu tranh để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo trong bối cảnh quốc tế phức tạp hiện nay, việc sử dụng những nguồn “ngoại lực” là quan trọng nhưng sức mạnh “nội lực” vẫn sẽ giữ vai trò quyết định. Đó là sức mạnh nội sinh của toàn dân tộc. Bên cạnh yếu tố thực lực sức mạnh quân sự là điều không thể bỏ qua, nguồn lực tinh thần phải được củng cố về mọi mặt nếu muốn khẳng định và bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển, đảo.

 

Trách nhiệm của các nhà giáo dục


"Nếu chậm trễ, để cho các em lớn lên mù tịt về Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa là cái tội của chúng ta, cái tội của người lớn và của nền giáo dục đối với lớp trẻ!".

GS.VS Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam

Đứng trước nhiệm vụ nặng nề khẳng định và bảo vệ chủ quyền, phát huy giá trị kinh tế, văn hóa biển đảo quê hương, không thể nói thế hệ trẻ Việt Nam thiếu nhiệt tình. Nhưng những gì họ được truyền tải về chủ đề lớn đó qua hệ thống sách vở từ những năm còn trên ghế nhà trường quả là sơ giản. Chưa có những nghiên cứu sâu để đánh giá toàn diện về mức độ quan tâm và hiểu biết của học sinh, sinh viên về chủ đề lớn này nhưng nhìn vào số lượng và “độ đậm nhạt” khi nêu vấn đề này trong những sách vở giáo khoa thì không thể bảo đảm rằng chúng ta có những thông số khả quan.


Tại cuộc Hội thảo khoa học về “Vấn đề Biển Đông trong nghiên cứu và giảng dạy lịch sử” được tổ chức tháng 3/2013, tại Hà Nội, GS. TS Đỗ Thanh Bình - Nguyên Chủ nhiệm khoa Lịch sử Đại học Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Cuộc đấu tranh trên mọi phương diện để khẳng định và giữ vững chủ quyền của Viêt Nam trên Biển Đông là một phần lịch sử dân tộc, là sự tiếp nối truyền thống, tiếp nối sự nghiệp của những người đã hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc”. Nhưng từ lâu chủ đề này hầu như bị “bỏ ngỏ” trong sách giáo khoa lịch sử ở các cấp học. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo Thanh niên về chủ đề này, GS. Viện sĩ Phan Huy Lê - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam - nhấn mạnh: “Đây là một sự hụt hẫng rất đáng tiếc. Trong sách giáo khoa của bất cứ quốc gia nào quá trình hình thành, xác lập chủ quyền lãnh thổ quốc gia là một nội dung bắt buộc trong môn lịch sử”. Đến nay, các nhà khoa học, các nhà giáo dục đều đồng ý với nhau rằng: Đã đến lúc đưa chủ đề chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa phổ thông và cả trong giáo trình cho sinh viên đại học. Đây là điều rất cần thiết và là trách nhiệm (trước hết) của các nhà giáo dục.


Chúng ta vẫn động viên thế hệ trẻ nâng cao quyết tâm và hành động thiết thực để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó đang nổi lên vấn đề bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền quốc gia trên các vùng biển đảo. Nhưng muốn có được quyết tâm và hành động để bảo vệ, trước hết phải có đủ tri thức hiểu biết và lòng tự hào về những điều mình sẽ dám bảo vệ. Nội dung giáo dục về chủ quyền biển đảo rất phong phú với nhiều khía cạnh khác nhau: Tầm quan trọng (vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế...) của Biển Đông; lập trường của các bên liên quan; những chứng cứ lịch sử và pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam với Hoàng Sa, Trường Sa; quá trình đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo... Yêu cầu đặt ra với việc chuyển tải chủ đề này trong sách giáo khoa là: Chính xác, khoa học và khách quan, để thế hệ trẻ Việt Nam có ý thức về chủ quyền quốc gia nói chung, chủ quyền biển đảo nói riêng. Đó là những cơ sở tri thức tiền đề quan trọng để giáo dục lòng tự hào dân tộc, bồi đắp tinh thần yêu nước, nâng cao ý thức về chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia, đồng thời cũng chống lại được âm mưu xuyên tạc lịch sử, âm mưu thôn tính từng bước, dưới nhiều hình thức của các thế lực xâm lược. Không chỉ với học sinh, sinh viên trong nước, những học sinh người Việt ở nước ngoài (cả Việt kiều và du học sinh) cũng cần trang bị đầy đủ những kiến thức này.


TS. Ngô Vương Anh


Bài 2: Khoảng trống trong nhận thức

Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài cuối
Cấp thiết đưa nội dung chủ quyền biển đảo vào sách giáo khoa - Bài cuối

Để đưa nội dung về kiến thức lịch sử và chủ quyền biển đảo vào chương trình phổ thông, còn rất nhiều việc phải làm...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN