Ngày còn ấu thơ sống ở làng quê, sau thời gian nửa buổi cắp sách tới trường là bọn nhỏ trong xóm chúng tôi lại làm bạn với những con bò, con trâu ở ngoài đồng, triền đê. Công việc chăn trâu, thả bỏ đã gắn bó với bất cứ đứa trẻ quê nào, bởi nhà ai mà chẳng nuôi trâu, nuôi bò dùng để cày ruộng và kéo xe. Với các mùa khác trong năm thì công việc chăn trâu, thả bò rất nhàm chán, thậm chí còn “ngấy” nữa là đằng khác, nhất là dịp mùa hè mà phải dầm mình ngoài đồng với cái nắng như thiêu như đốt khiến cho đứa nào đứa nấy đều đen nhẻm. Thế nhưng, khi bước vào mùa đông với mưa phùn, gió bấc, rét thấu da thịt thì bọn trẻ chúng tôi lại rất thích thú khi phải ra đồng chăn thả trâu bò. Mặc dù khi đó nhà ai cũng rất nghèo, đứa nào cũng quần áo phong phanh, vậy mà vẫn thích trốn việc nhà để lùa trâu bò ra đồng. Cái thú, niềm vui của những buổi chăn thả trâu bò ở thời khắc mùa đông đó là bọn nhỏ chúng tôi có cây mồi rơm giữ lửa làm bạn. Cây mồi rơm bện lại từ những đọn rơm khô đã giữ lửa để chúng tôi mang theo ra đồng đốt sưởi.
Trước khi lùa trâu bò ra đồng vào buổi chiều là tôi vẫn thường được “phân công” bện một chiếc mồi rơm to bằng bắp chân và dài chừng nửa mét. Các đụn rơm được bện tròn nối tiếp nhau kéo dài, ở ngoài cuộn thêm một lượt rơm ve theo kiểu dây thừng cho cây mồi càng chặt tay bao nhiêu càng tốt. Sở dĩ phải bện thật chặt tay để cho lửa cháy chậm, cây mồi mới lâu hết. Nếu bện chặt, với chiều dài khoảng nửa mét cây mồi có thể giữ lửa trong khoảng 4-5 tiếng đồng hồ. Ngày đó, khi mà diêm và bật lửa gas chưa thật thông dụng như thời nay thì việc giữ lửa mang đi ra đồng chỉ có cách duy nhất là dùng cây mồi rơm.
Khi ra tới đồng, sau khi để cho trâu bò tung tăng gặm cỏ trên các bờ vùng, bờ thửa, bọn chúng tôi thường phân công nhau đi kiếm gốc rạ khô được đập từ các tảng đất cày ải khô xác mang về tập trung một chỗ rồi lấy lửa từ cây mồi rơm để đốt sưởi. Ngoài gốc rạ, cả cỏ khô, thậm chí cả các loại lá khô rụng xuống từ rặng bạch đàn, xà cừ, phi lao cũng luôn được chúng tôi tận dụng để đốt sưởi. Nhiều hôm, muốn đống lửa được cháy lâu hơn, vài đứa cùng hội trẻ chăn trâu còn kiểm củi gỗ, gốc tre ở trong làng mang đi dành đốt kèm.
Điều thú vị của những buổi chăn trâu, bò vào mùa đông không chỉ là được sưởi ấm bằng lửa từ cây mồi rơm, mà trẻ nhỏ chúng tôi còn thường xuyên be bờ, tát vét dưới mương nước để bắt cá, bắt cua để nướng ăn. Sự mộc mạc từ các con cá, con tép, tôm, con cua, và thậm chí cả con ốc vừa được bắt lên từ bùn còn tươi rói ấy và chỉ qua một cách chế biến duy nhất là… nướng cũng đủ hấp dẫn với mùi thơm lừng. Khi thì chúng tôi dùng que xiên cá để nướng, lúc thì lại dùng bùn bao quanh con cá và nướng cho tới khi lớp đất bùn khô cứng, cháy đen thì cũng là lúc cá ở bên trong chín tới. Nướng cá kiểu này ngon tuyệt vì độ ngọt của cá được giữ lại còn như nguyên vẹn. Rồi nữa, có những lúc chúng tôi còn nhặt được trứng vịt đẻ rơi của những người nuôi vịt đẻ chạy đồng. Hôm nào mà “vớ” được mấy quả trứng như thế thì cả hội lại được bữa ngon vì trứng nướng ăn nóng hổi ngon “tuyệt cú mèo”, mà ngày nay người ta coi nó là đặc sản.
Ở quê, khi vào mùa đông, nhất là dịp tháng Chạp áp Tết, khoai lang, khoai tây, ngô còn chưa thu hoạch thì những buổi đi chăn trâu bò ngoài trò nướng cá, tôm, cua… thì các sản vật nhà nông là ngô, khoai ấy cũng luôn khiến chúng tôi ấm lòng. Ngày ấy chuyện trẻ nhỏ ăn trộm bắp ngô, củ khoai như vậy để nướng ngoài đồng cũng là thường tình, nghịch ngợm(?!). Khoai nướng, ngô nướng ăn ngay tức thì sau khi rời đống lửa, ngon và ngọt lắm. Có những hôm mỗi đứa làm vài củ khoai, mấy bắp ngô nướng là no căng bụng và tối về đứa nào cũng “chê” cơm.
… Mới đây, vậy mà đã thấm thoát gần 10 năm có lẻ, tôi xa cánh đồng quê hương, xa cây mồi rơm và trò đốt đồng tuổi thơ với bao trò tiêu khiển vu buồn, khó quên. Tết lại sắp về và lúc này đây, dẫu không còn cái cảm giác ngóng tết thật nhanh để được nghỉ học, được đi chơi, được ăn ngon, mặc đẹp… như thời trẻ con ấy nữa, nhưng thi thoảng trong tôi vẫn mong Tết để được trở về với mẹ, với cánh đồng tuổi thơ đầy ắp kỷ niệm của một thời ấu thơ…
Nguyễn Long