Châu Âu trừng phạt người Crimea

Hãng Itar-Tass ngày 25/3 đưa tin: Liên minh châu Âu (EU) đã cấm các đại sứ quán và trung tâm xét visa của các nước EU đóng trên lãnh thổ Nga cấp mọi loại visa của châu Âu cho người Crimea (Crưm) mang hộ chiếu Nga.

Quầy bán trứng ở thủ phủ Simferopol (Crimea) niêm yết giá bằng cả đồng ruble Nga và hryvnia Ukraine. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo lệnh cấm của Hội đồng châu Âu, visa EU sẽ chỉ được cấp cho các công dân Crimea ở Ukraine vì EU coi Crimea là một phần của Ukraine. Người dân Crimea cần liên lạc với đại sứ quán của các nước có liên quan đóng ở Ukraine để xin visa. Trong trường hợp này, quyết định cấp visa sẽ được nước đó đưa ra.


Ngay lập tức, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ trích việc các nước phương Tây áp dụng "tiêu chuẩn kép" về vấn đề Ukraine và Crimea.


Phản ứng trước các biện pháp trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga, nghị sĩ Vyacheslav Nikonov thuộc Hạ viện Nga cho rằng các nỗ lực nhằm cô lập Nga trong thời đại hiện nay sẽ thất bại. Nghị sĩ này nhắc lại rằng 1/3 năng lượng mà EU tiêu thụ được nhập từ Nga, trong khi Nga tiêu thụ 1/3 lượng hàng nhập khẩu từ EU. Do đó, các nước phương Tây rõ ràng không được chuẩn bị sẵn sàng để vướng vào một cuộc khủng hoảng nữa.


Ngoài ra, nghị sĩ này nhận định sẽ không có một cuộc Chiến tranh Lạnh nữa xảy ra vì thời thế đã thay đổi. Phương Tây không phải là một khu vực tăng trưởng kinh tế nữa mà là một khu vực trì trệ. Nghị sĩ Vyacheslav phân tích: Cách đây khoảng 30 năm, phương Tây chiếm 80% GDP toàn cầu, còn hiện nay chỉ chiếm chưa đầy 50%. EU sẽ không tăng trưởng trong một thập kỷ tới và không thể đạt được các chỉ số kinh tế cao của năm 2007. Trong khi đó trong vài năm tới, Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế chủ chốt trên thế giới, đi trước cả Mỹ.


Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo, nền kinh tế Nga có thể sụt giảm tới 1,8% trong năm 2014 do tác động của cuộc khủng hoảng tại Ukraine. Nếu những tác động này giảm nhẹ nhờ khủng hoảng được giải quyết một cách “hòa bình”, thì kinh tế Nga có thể tăng trưởng 1,1%, giảm một nửa so với ước tính đưa ra tháng 12/2013.

Trong khi đó, hôm qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã có chuyến thăm đầu tiên tới trụ sở Liên minh châu Âu tại Brussels nhằm củng cố liên minh Mỹ-EU trong nỗ lực chung nhằm cô lập và trừng phạt Nga.


Liên quan đến tình hình tại Crimea, Phó chủ tịch quốc hội Crimea, ông Sergei Tsekov đã được chỉ định làm thượng nghị sĩ đại diện cho Crimea tại Thượng viện Nga. Sau khi được quốc hội phê chuẩn tư cách mới, ông Tsekov cũng được miễn nhiệm chức phó chủ tịch quốc hội Crimea.


Tại thủ phủ Simferopol, trên 15.000 quân nhân trong các đơn vị quân đội Ukraine từng đóng quân tại Crimea cho biết họ muốn tiếp tục công việc trong quân đội và các cơ quan thực thi pháp luật khác ở Nga. Tính đến ngày 26/3, cờ Nga đã được cắm tại toàn bộ 193 cơ sở và tổ chức quân sự của lực lượng vũ trang Ukraine tại Crimea.


Về tình hình tại thành phố cảng Sevastopol, lãnh đạo thành phố Alexey Chaly ngày 25/3 đã ký sắc lệnh giải tán chức năng của các đơn vị dân quân và kêu gọi họ giải giáp theo luật Nga.

 

Thùy Dương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN