Đây là nội dung dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 91/2015 về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp (DN) và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại DN đang được Bộ Tài chính xây dựng.
Chia cổ tức ngân hàng phải xin ý kiến của Bộ Tài Chính có phù hợp? |
“Nhùng nhằng” miếng bánh lợi nhuậnNội dung của dự thảo đang gây nhiều tranh cãi cho các doanh nghiệp, đặc biệt là ngân hàng. Bởi theo dự thảo này, điểm mới đáng chú ý là bổ sung quy định về trách nhiệm của người đại diện vốn nhà nước trong việc thu cổ tức, lợi nhuận được chia vào ngân sách nhà nước.
Lý giải thêm về việc bổ sung quy định mới trên, đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính, cho rằng nhằm tăng cường xử lý trách nhiệm thu vào ngân sách nhà nước phần cổ tức, lợi nhuận được chia đối với phần vốn góp của Nhà nước, có như vậy mới tránh trường hợp cơ quan đại diện chủ sở hữu quyết định để lại lợi nhuận tại DN và điều chỉnh tăng vốn điều lệ, tức tiền lãi từ phần vốn nhà nước không được thu đầy đủ.
Theo đó, Bộ Tài Chính mong muốn DN, cụ thể là các ngân hàng có vốn nhà nước khi chia cổ tức cần phải xin ý kiến của Bộ. Bởi trước đây, năm 2016, Bộ Tài chính nhiều lần có công văn đề nghị Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chỉ đạo người đại diện phần vốn nhà nước tại BIDV và VietinBank biểu quyết chia cổ tức năm tài chính 2015 bằng tiền mặt, đồng thời nộp toàn bộ số cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước tại hai NH nêu trên vào ngân sách nhà nước.
Sau nhiều lần gửi công văn, đầu năm 2017, VietinBank mới chốt lại được phương án trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2015 với tỉ lệ 7%. Riêng BIDV giữ nguyên mức chi trả cổ tức bằng tiền với tỉ lệ 8,5%. Ước tính số tiền mà Bộ Tài chính thu về khoảng 4.600 tỉ đồng.
Bàn về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, điều này thực sự làm khó cho các cổ đông cũng như cho ngân hàng. Bởi việc phân chia cổ tức DN có vốn nhà nước bằng tiền mặt sẽ có lợi cho Bộ Tài chính vào việc đóng góp ngân sách nhà nước, tuy nhiên lại đưa các ngân hàng vào rủi ro về hệ số K (hệ số tỷ lệ an toàn vốn).
Cần tính tới tỷ lệ an toàn vốn
Chuyên gia kinh tế, Luật sư – Tiến sĩ (LS.TS) Bùi Quang Tín cho rằng, đứng về góc độ chuyên môn thì NHNN quản lý vấn đề chia cổ tức hay không là hợp lý hơn. Bởi, nếu như áp dụng Thông tư 41/2016 – NHNN về quy định tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, việc chia cổ tức bằng tiền mặt theo yêu cầu của Bộ Tài chính sẽ khiến các NHTMCP giảm tỷ lệ an toàn vốn xuống dưới 8%.
Theo Thông tư 41/2016, sẽ có 10 NHTMCP phải thực hiện tăng tỷ lệ an toàn vốn trước năm 2020. Trong đó, có 3 NH nhà nước gồm Vietcombank, Vietinbank, BIDV phải tuân thủ tỷ lệ K trong Thông tư 41 vào cuối năm 2018, sớm hơn các ngân hàng khác gần 2 năm. Vì vậy, các NH buộc phải tính toán phải tăng vốn điều lệ, cụ thể chỉ số K = vốn tự có/tài sản có rủi ro theo theo cổ tức, theo thị trường và theo hợp đồng.
Hiện nay, các ngân hàng đang rất lo sợ vấn đề này và muốn giữ lại vốn, lợi nhuận, không chia hoặc lợi nhuận chia bằng cổ phiếu để tăng tỷ lệ an toàn vốn lên. “Nếu như hoạt động ngân hàng phải phụ thuộc vào Bộ Tài chính và xin ý kiến của Bộ Tài chính thì rất nhùng nhằng và xung đột về lợi ích. Theo đó, nội dung mới của dự thảo trên là không phù hợp và dễ gây khó cho các ngân hàng, vì nếu hỏi ý kiến, chắc chắn Bộ Tài chính đòi hỏi phải chia bằng tiền mặt. Ngoài ra, việc chia cổ tức cho các cổ đông đều có quyền lợi như nhau, tùy từng vị trí hay người nắm nhiều cổ đông là nhiều hay ít chứ không vì quyền lợi riêng lẻ của cá nhân như Bộ Tài chính đang lo ngại”, LS.TS Bùi Quang Tín nêu quan đểm.
Tuy nhiên, chuyên gia tài chính - TS Ngô Trí Long lại có nhận định trái ngược: “Việc Bộ Tài chính đưa ra quy định trên là hợp lý, bởi lâu nay có hiện tượng cơ quan chủ quản và người đại diện vốn nhà nước không chịu nhả miếng bánh lợi nhuận cho Nhà nước và dùng số tiền đó để tái đầu tư. Do vậy, Bộ Tài chính bổ sung quy định này cũng là cách để huy động tiền cho ngân sách”.
Dù vậy, nhiều ý kiến khác cho rằng, đây là một miếng bánh mà ai cũng muốn chia phần, do đó để giải quyết, cần sớm tách bạch chức năng của cơ quan chủ quản, bộ chủ quản khỏi DN. Nếu cứ tiếp tục tình trạng cơ quan chủ quản "vừa đá bóng vừa thổi còi" với các DN, trong đó có các NH thì mọi việc sẽ còn nhùng nhằng. Hơn nữa, nó sẽ làm cho đại hội cổ đông không còn ý nghĩa gì nữa và cổ đông góp vốn vào Nhà nước sẽ cảm thấy không còn quyền hạn. Do đó, niềm tin vào NH cũng như DN nói chung sẽ giảm sút và điều này sẽ ảnh hưởng đến thị trường tài chính.