Lâu lắm tôi mới về quê tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội. Vùng đất quê tôi đã và đang trong đà đô thị hóa nên đến cả khu nghĩa trang cũng… “đô thị hóa” nhanh và mạnh mẽ khiến tôi quá bất ngờ! Cách đây chừng dăm, bảy năm, khu nghĩa trang của xã (cả 3 làng) chỉ thu hẹp trong khoảng diện tích độ 3-4 ha, vậy mà giờ đây, khu nghĩa trang đã phát triển rộng tới cả hơn chục ha và vẫn có dấu hiệu “bành trướng” ra thêm. Thực ra, dân số của xã thì vẫn duy trì mức tăng vừa phải và hàng năm số người chết cũng không thực sự là “bùng phát”. Vậy thì do đâu mà nghĩa trang lại “mở rộng” nhanh đến như vậy? Mang thắc mắc này với mấy người trong làng thì được biết nguyên nhân của việc nghĩa trang của xã mở rộng gấp 5, gấp 7 những năm trước là do thực trạng người người, nhà nhà đua nhau khoanh khu, quây diện tích chiếm đất nghĩa trang. Từ mấy năm trước, trào lưu ra nghĩa trang chiếm đất đã diễn ra mạnh mẽ theo kiểu mạnh ai nấy chiếm. Nhà này quây khu này, nhà kia chiếm khu vực kia. Khi chiếm được, họ mang gạch ra xây bờ tường bao vòng xung quanh để nhà khác không thể nhảy vào mà lấn chiếm được nữa, vì coi như đất đã “có chủ”. Có những nhà “thức thời” chiếm được cả một vài trăm mét vuông y như diện tích dành cho đất ở của người sống. Khi những phần đất dành cho nghĩa trang đã hết, người ta còn “nghĩa trang hóa” sang cả những phần ruộng trũng, đầm phá ở xung quanh bằng cách vứt đất lên cho cao ráo rồi cũng xây bờ bao xung quanh. Trên những khoảng diện tích đất chiếm dụng được đấy, nhân lúc “chờ” người trong gia tộc, dòng họ chết, nhiều gia đình còn xây sẵn mộ giả, rồi láng xi-măng trên bề mặt diện tích để chống hoang hóa và cỏ dại mọc.
Từ việc đang “sốt” đất nghĩa trang ở quanh khu vực ngoại thành từ vài năm nay, thì còn có hiện tượng một số người dân ở xã tôi cũng nhân cơ hội chiếm dụng được nhiều đất nghĩa trang để trục lợi, khi “nhượng” lại cho một số người trong nội thành một khoảng diện tích nhỏ. Thông tin mà tôi nắm được là một phần đất chỉ để tiểu cốt vậy mà họ cũng thu được tới mấy chục triệu đồng. Chẳng vậy mà, nhìn thoáng qua các khu vực nghĩa trang tôi thấy có một số bia mộ người chết với tên, tuổi, địa chỉ là người ở phố này, phố nọ trong nội thành.
Hiện tại, vấn đề đất nghĩa trang ở xã tôi vẫn chưa có gì là đáng ngại vì người dân trong làng, trong xã chết vẫn còn có chỗ để mà yên nghỉ. Thế nhưng, chỉ độ mấy năm nữa thôi thì chắc chắn khu nghĩa trang cũ sẽ không còn đất và người chết sẽ chẳng có chỗ mà chôn cất. Chính vì vậy việc phải mở thêm một nghĩa trang mới là điều bắt buộc, trong khi quỹ đất thì càng ngày càng teo tóp vì đô thị hóa.
Chiếm dụng và trục lợi từ đất nghĩa trang không riêng gì ở xã tôi mà nó là trào lưu chung ở các vùng ngoại thành cũng như quanh các đô thị lớn trên cả nước. Để lập lại trật tự, quy củ cũng như quy hoạch chi tiết cho các khu nghĩa trang, ngoài việc vận động người dân nên đưa người quá cố đi hỏa táng (đối với những địa phương có đài hỏa táng) cũng nên lập nên ban quản trang để đi vào hoạt động quy củ với các quy định về hàng lối cũng như diện tích cho một mộ phần, đồng thời phải nghiêm khắc với những đối tượng cố tình chiếm dụng và trục lợi từ đất nghĩa trang.
Nguyễn Long