Chính quyền Tổng thống Barack Obama ngày 19/7 đã đệ trình thỏa thuận hạt nhân mới đạt được với Iran lên Quốc hội Mỹ. Đây là phát súng đầu tiên trong cuộc tranh cãi kéo dài 60 ngày được dự báo sẽ quyết liệt và căng thẳng giữa Nhà Trắng và các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang kiểm soát cả hai viện.
Tổng thống Mỹ Barack Obama tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong một thông báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby tuyên bố ngày đầu tiên trong thời gian xem xét 60 ngày sẽ bắt đầu từ ngày 20/7 sau khi cho biết các cơ quan chính phủ đã chuyển lên Quốc hội "Kế hoạch Toàn diện chung về Hành động" cùng với các phụ lục và tài liệu liên quan.
Theo Luật Rà soát thỏa thuận hạt nhân Iran được lưỡng viện Quốc hội thông qua hồi tháng 5 và Tổng thống Obama đã ký thành luật, Quốc hội Mỹ có 60 ngày để xem xét và đưa ra quyết định đối với thỏa thuận. Trong trường hợp Quốc hội bác bỏ, Tổng thống Obama có thể sử dụng quyền phủ quyết và để loại bỏ quyền phủ quyết của tổng thống, các nghị sỹ Cộng hòa phải huy động được 2/3 số phiếu.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter đã bắt đầu chuyến công du ba nước Israel, Saudi Arabia và Jordan, nhằm giải tỏa những quan ngại của các đồng minh về thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được giữa Iran và các cường quốc hồi tuần trước. Trong khi đó, Thủ tướng Isralel Benjamin Netanyahu vẫn tiếp tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân mới đạt được là một "sai lầm lịch sử" mở đường cho Iran chế tạo vũ khí hạt nhân đe dọa sự tồn tại của Israel cũng như an ninh của Mỹ và toàn cầu.
Cũng trong ngày 20/7, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) dự kiến sẽ thông qua một nghị quyết dọn đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế đang hủy hoại nền kinh tế Iran. Theo các nhà phân tích, cuộc bỏ phiếu diễn ra lúc 9h giờ địa phương (tức 20h giờ Việt Nam) này chỉ mang tính nghi thức khi mà bản dự thảo nghị quyết đã được 5 nước thành viên thường trực HĐBA (Anh, Pháp, Trung Quốc, Nga, Mỹ) và Đức ký với Iran từ trước đó cùng với thỏa thuận hạt nhân lịch sử. Nghị quyết này kêu gọi thực hiện đầy đủ thỏa thuận mới đạt được theo khung thời gian đồng thời hối thúc các nước thành viên LHQ thúc đẩy tiến trình.
Ngày 14/7 vừa qua, sau 13 năm đàm phán dai dẳng, Iran và Nhóm P5+1 đã đạt được thỏa thuận toàn diện cuối cùng về hồ sơ hạt nhân của Tehran, theo đó, Iran sẽ thu hẹp chương trình làm giàu urani đổi lại những biện pháp trừng phạt về kinh tế và tài chính đối với nước này sẽ được từng bước dỡ bỏ, có thể “sớm nhất từ đầu năm 2016”.