Thỏa thuận lịch sử giữa Iran và Nhóm P5+1 (gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức) đạt được vào ngày 14/7 ở thủ đô Vienna, Áo đã mở đường cho việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Tehran, đổi lấy việc Iran phải chấp nhận những hạn chế về các hoạt động hạt nhân. Thỏa thuận này cũng có thể dẫn tới những ngã rẽ liên quan tới việc Iran tái hòa nhập vào cộng đồng toàn cầu.
Nhân tố gây mất ổn định?Viễn cảnh về một Iran phồn vinh đã làm dấy lên lo ngại của những người theo chủ nghĩa hoài nghi về thỏa thuận này – và kể cả một số quan chức Mỹ ủng hộ nó – rằng Tehran có thể sử dụng “lộc trời cho” này làm mất ổn định khu vực Trung Đông vốn đầy biến động.
Tổng thống Iran tuyên bố thỏa thuận mới đạt được sẽ mở ra “một chân trời mới” trong quan hệ giữa nước này với cộng đồng quốc tế. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt có thể cho phép Iran phục hồi hơn 100 tỷ USD nguồn thu dầu mỏ hiện bị đóng băng ở nước ngoài. Một số chuyên gia ước tính dỡ bỏ trừng phạt có thể giúp nền kinh tế 420 tỷ USD của Iran tăng trưởng 5-8%/năm.
The Daily Beast trích dẫn lời một quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói ngày 8/7: “Các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ sẽ giúp Iran có kinh phí cho những hành động gây mất ổn định”. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành trung tâm khoa học chiến lược và ngoại giao thuộc Đại học Nam Florida, Mohsen Milani, cho rằng thỏa thuận có thể là một “sự kiện gây biến đổi” ở Trung Đông bởi nó mở cánh cửa tới mối quan hệ tốt hơn giữa Iran và phương Tây, có thể làm giảm căng thẳng trong khu vực.
Ông Richard Nephew, cựu nhân viên ngoại giao từng tham gia phái đoàn thương thuyết của Mỹ, nhận định những lo ngại rằng Iran sẽ sử dụng tiền từ lệnh dỡ bỏ trừng phạt để hỗ trợ các tham vọng khu vực đã bị thổi phồng quá mức.
“Để đảm bảo sự ổn định của chính phủ, các nhà lãnh đạo Iran phải hướng tới những vấn đề trong nước và có các khoản đầu tư cần thiết để đảm bảo tương lai. Hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad và những người khác ở khu vực là mục tiêu quan trọng, nhưng không phải hàng đầu”, ông Nephew cho hay.
Thay đổi đồng minhMỹ đẩy mạnh việc đạt được thỏa thuận với Iran cũng kéo theo những lo ngại giữa các quốc gia Arập theo dòng Hồi giáo Sunni rằng Washington, người bảo lãnh truyền thống của họ, về bản chất đang lùi lại một bước để người Iran theo dòng Hồi giáo Shiite hoàn toàn tự do hành động trong khu vực. Trong những mối lo ngại này, các quốc gia vùng Vịnh Arập đang tăng cường các cuộc thảo luận về đa dạng các đồng minh quốc tế.
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 15/7 đã mở chiến dịch vận động các nhà lập pháp nước này ủng hộ thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 và Iran. Ảnh: AFP/TTXVN
|
Cố vấn an ninh Kuwait cho Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC), Sami al-Faraj, trả lời Reuters hồi tháng 6: “Tổng thống Mỹ Obama sẽ được nhớ là tổng thống khôi phục quan hệ với Iran. Nhưng ông cũng có thể được nhớ là vị tổng thống Mỹ mất đi các đồng minh truyền thống trong khu vực. GCC - bao gồm Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, Các tiểu vương quốc Ả rập và Oman - đang tìm tới các lựa chọn khác, bất kể đó là Nga, Pháp, hay cường quốc khu vực nào như Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, cho phép chúng tôi giành lại sự cân bằng sức mạnh”.
Quỹ tài sản quốc gia Saudi Arabia được công bố hồi đầu tháng cho thấy nước này chấp thuận đầu tư 10 tỷ USD vào Nga bất chấp việc Moskva ủng hộ cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, điều mà Riyadh không chấp nhận.
Saudi Arabia cũng đang xây dựng những mối quan hệ thân thiết hơn với Pháp. Riyadh và Paris cuối tháng 6 vừa qua công bố đang tiến hành nghiên cứu xây dựng hai lò phản ứng hạt nhân ở Saudi Arabia. Tuy nhiên, một quan chức Saudi Arabia trả lời hãng tin AFP rằng nước này “sẽ không chấp nhận rủi ro” theo đuổi việc phát triển vũ khí hạt nhân.
Cuộc đua vũ trang khu vựcTheo một quan chức Saudi Arabia, thỏa thuận Iran có thể buộc Riyadh theo đuổi những khả năng làm giàu hạt nhân tương đương của Iran. Điều này làm gia tăng lo ngại về cuộc đua vũ trang hạt nhân trong một khu vực vốn dễ bị kích động.
Hồi tháng 5, một lãnh đạo Arập nói với tờ New York Times: “Chúng ta không thể ngồi không trong khi Iran được cho phép duy trì nhiều khả năng và tích lũy nghiên cứu (về các chương trình hạt nhân)”.
Hoàng tử Turki al-Faisal, một thành viên của gia đình hoàng gia Saudi Arabia và cựu giám đốc tình báo của nước này, đã ngụ ý trong một cuộc phỏng vấn với BBC hồi đầu năm rằng các chính phủ khác ở Trung Đông sẽ tìm kiếm điều tương tự: “Nếu Iran có khả năng làm giàu uranium tới bất cứ mức độ nào, sẽ không chỉ có Saudi Arabia thắc mắc”.
Cuộc chơi năng lượng mớiSự cô lập quốc tế đối với Iran đã ngăn chặn nước này tận dụng nguồn dự trữ năng lượng khổng lồ. Nhưng với việc các cường quốc dỡ bỏ trừng phạt vừa qua, Tehran sẽ có những khách hàng năng lượng mới và tiếp cận được với nguồn đầu tư nước ngoài để phát triển lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt. Theo Tạp chí Thống kê Năng lượng thế giới BP, Iran là nước có dự trữ dầu mỏ lớn thứ 4 trên thế giới, với 157 tỷ thùng, 34 nghìn tỷ mét khối dự trữ khí đốt tự nhiên, đối thủ cạnh tranh với Nga ở cả hai lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt.
Nguồn dự trữ này được thả lỏng trên các thị trường thế giới sẽ không chỉ tăng cường tài chính của Tehran mà còn cung cấp cho các nước châu Âu một lựa chọn khác thay vì nhập khí đốt của Nga. Hiện Khí đốt nhập khẩu từ Nga chiếm 27% tổng lượng khí đốt tiêu thụ ở các nước Liên minh châu Âu (EU).
Nga cũng dựa nhiều vào dự trữ dầu mỏ để giữ cho nền kinh tế, vốn bị tổn thương vì giá dầu giảm sâu cuối năm ngoái, nhưng có thể chịu đựng thêm nếu nguồn cung Iran làm thay đổi thị trường dầu mỏ. Trong khi đó, Mỹ và EU đã luôn tìm cách làm suy yếu cố gắng của Moskva bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế liên quan cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Con đường tới dân chủ hóa”Người dân Iran hoan nghênh thỏa thuận hạt nhân lịch sử với P5+1. Ảnh: AFP/TTXVN |
Theo ông Alireza Nader, nhà phân tích hàng đầu của tổ chức RAND, một thỏa thuận hạt nhân có thể tạo ra đòn bẩy cho Tổng thống Hassan Rouhani và các đồng minh phe ôn hòa vượt qua lực lượng phản đối các nỗ lực cho phép người Iran có thêm tự do. Tuy nhiên, ông có thể đối mặt với áp lực gia tăng từ các phe đối địch trong nước.
“Một thỏa thuận hạt nhân chắc hẳn sẽ tăng cường vị thế của Tổng thống Rouhani và cung cấp cho ông nhiều lợi ích về mặt chính trị. Điều mà các đảng viên bảo thủ lo ngại là Rouhani sẽ sử dụng tầm ảnh hưởng của mình để ban hành những thay đổi lớn ở Iran”, nhà phân tích Nader nói.
Các nhà quan sát tin rằng triển vọng của các cải cách dân chủ ở Iran được cải thiện thông qua việc gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và mối đe dọa chiến tranh. Ngoài ra, Giáo sư Đại học Denver Nader Hashemi, đứng đầu nhóm đàm phán Mỹ với Iran, cho rằng một thỏa thuận hạt nhân “có thể giúp Iran trở lại con đường dân chủ hóa”.