Bạo lực tiếp tục leo thang đáng ngại tại thủ đô Damascus (Đamát) của Syria trong ngày thứ ba liên tiếp. Lực lượng nổi dậy ngày 17/7 tuyên bố phát động một chiến dịch tấn công toàn diện và đã xảy ra các vụ đụng độ lớn tại một số địa điểm ở thủ đô.
Trong một thông báo đưa ra cùng ngày, nhóm Quân đội Xyri tự do (FSA) cho biết sẽ bắt đầu “tấn công nhằm vào tất cả các cơ quan an ninh ở các thành phố cũng như nông thôn”. FSA cũng kêu gọi phong tỏa tất cả các tuyến đường quốc tế của Syria, trong khi lực lượng chính phủ huy động trực thăng vũ trang để truy quét các phiến quân.
Cảnh đổ nát gần trung tâm thành phố Homs, miền trung Syria, ngày 17/7. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Trong bối cảnh giao tranh đang tiếp diễn ác liệt tại Damascus, theo nguồn tin tình báo Israel (Ixraen), Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã điều lực lượng từ Cao nguyên Golan, nơi tiếp giáp với vùng đất Israel chiếm đóng, về Damascus và các khu vực xung đột nội bộ khác. Phát biểu trước quốc hội Israel, tướng Aviv Kochavi cho biết: “Thời điểm này, ông Assad không e ngại Ixraen, mà chủ yếu muốn tăng cường lực lượng quanh Damascus”.
Cũng trong ngày 17/7, tiếp Đặc phái viên Liên hợp quốc (LHQ) - Liên đoàn Arập (AL) Kofi Annan tại Điện Kremlin, Tổng thống Nga, V. Putin đã tái khẳng định lập trường ủng hộ kế hoạch hòa bình của ông Annan nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng ở Syria thông qua con đường chính trị - ngoại giao. Ông Putin tuyên bố Nga ủng hộ gia hạn thêm 3 tháng hoạt động của phái bộ giám sát tại Syria, ủng hộ việc thực hiện nhất quán các thỏa thuận đạt được tại cuộc gặp quốc tế Geneva hôm 30/6 và tổ chức đối thoại nhằm đạt được giải pháp hòa bình. Nga chủ trương cùng Đặc phái viên Annan triệu tập cuộc gặp lần thứ hai của Nhóm Hành động vì Syria tại Moscow (Mátxcơva) hoặc Geneva. Nhà lãnh đạo Nga cũng khẳng định, Nga trước sau như một phản đối việc áp dụng các biện pháp cấm vận hoặc trừng phạt chống Xyri, đồng thời kêu gọi thực hiện nhất quán các nghị quyết 2042 và 2043 của HĐBA LHQ.
Cùng ngày, HĐBA LHQ đã tiếp tục thảo luận về nghị quyết kéo dài sứ mệnh của Phái bộ quan sát viên LHQ tại Syria (UNSMIS) kèm theo các đe dọa trừng phạt chính phủ của Tổng thống Assad. Trước đó, Moscow đã khẳng định sẽ phủ quyết một nghị quyết như vậy trong cuộc bỏ phiếu ở HĐBA vào ngày hôm nay (18/7). Nga đề xuất một nghị quyết kéo dài sứ mệnh UNSMIS, nhưng không kèm trừng phạt chính phủ Syria. Tuy nhiên, theo Đại sứ Mỹ tại LHQ Susan Rice, nghị quyết này sẽ thất bại vì không hội đủ 9 phiếu thuận cần thiết trong HĐBA gồm 15 thành viên.
Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Lý Bảo Đông đang cố gắng thuyết phục hoãn bỏ phiếu để các bên có thêm thời gian thương lượng. Dù Trung Quốc vẫn chưa thể hiện rõ quan điểm về cuộc bỏ phiếu cho một nghị quyết mới vào ngày 18/7, song bài xã luận đăng trên tờ Nhân Dân nhật báo cho rằng cuộc bỏ phiếu tại HĐBA sẽ thất bại do Bắc Kinh không ủng hộ sự can thiệp vào Syria.
Trong khi đó, giới chức ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) ngày 17/7 cho biết, các ngoại trưởng EU có kế hoạch thông qua những biện pháp trừng phạt mới đối với chế độ của Tổng thống Assad trong hội nghị vào tuần tới. Đây sẽ là lệnh trừng phạt lần thứ 17 của EU nhằm đích danh các đối tượng trong chế độ của Tổng thống Assad kể từ khi nổ ra cuộc khủng hoảng tại Syria hồi tháng 3/2011.
H.H - T.H