Hỏi: Để bảo đảm quyền dân chủ, người dân được giám sát, chính quyền cơ sở có trách nhiệm gì trong việc công khai Quy chế thực hiện dân chủ ở xã?
Hoàng Văn Vẻ (huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn)
Trả lời: Theo Điều 5, Nghị định 79/2003/NĐ-CP của Chính phủ ngày 7/7/2003 ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã thì có tới 14 điểm mà chính quyền xã có trách nhiệm thông tin kịp thời và công khai để nhân dân biết, đó là:
Chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan trực tiếp đến quyền và lợi ích của nhân dân trong xã, bao gồm: Các nghị quyết của Hội đồng nhân dân, quyết định của Ủy ban nhân dân xã và của cấp trên liên quan đến địa phương.
Các quy định của pháp luật về thủ tục hành chính, giải quyết các công việc liên quan đến dân. Những quy định của Nhà nước và chính quyền địa phương về đối tượng, mức thu các loại thuế, phí, lệ phí và các nghĩa vụ khác đối với nhân dân theo quy định của pháp luật hiện hành.
Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội dài hạn và hàng năm của xã. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai. Dự toán và quyết toán ngân sách xã hàng năm. Dự toán, quyết toán thu chi các quỹ, chương trình, dự án, các khoản huy động nhân dân đóng góp xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng của xã, thôn, làng, ấp, bản, khóm và kết quả thực hiện.
Các chương trình, dự án do Nhà nước, các tổ chức và cá nhân đầu tư, tài trợ trực tiếp cho xã. Chủ trương, kế hoạch vay vốn phát triển sản xuất, xóa đói, giảm nghèo. Điều chỉnh địa giới hành chính xã và các đơn vị hành chính liên quan đến xã.
Kết quả thanh tra, kiểm tra, giải quyết các vụ việc tiêu cực, tham nhũng của cán bộ xã, thôn. Công tác văn hóa, xã hội, phòng, chống tệ nạn xã hội, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội của xã…