Chống thất nghiệp "hâm nóng" hội nghị EU

Từ nhiều thập niên qua, nạn thất nghiệp đã trở thành mối đe dọa về khủng hoảng xã hội tại châu Âu. Không chỉ các quốc gia của khu vực Eurozone mà cả những nước ngoài khu vực cũng đang phải đối mặt với một thực tại hết sức nan giải về những hệ lụy của cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính.

Châu Âu - lục địa vốn đã già cỗi, ốm yếu đang phải gồng mình chống chọi những tàn phá của những trận ‘’cuồng phong’’ trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Tuy chính sách "thắt lưng buộc bụng" giúp giảm đi phần nào gánh nặng thâm hụt ngân sách nhưng lại sản sinh ra "căn bệnh kinh niên" là thất nghiệp.

Ảnh minh họa: Internet.


Theo con số thông kê của cơ quan Eurostat, các quốc gia trong khu vực Eurozone có xấp xỉ 23 triệu người thất nghiệp (tương đương 19% dân số), trong đó tỉ lệ thất nghiệp trong giới trẻ từ15-24 tuổi là hơn 19 triệu người (chiếm 12%). Tỉ lệ thất nghiệp của các quốc gia ngoài khu vực Eurozone là 9,2 triệu người, trong đó giới trẻ là 7 triệu.

Trong số các quốc gia EU, một số nước có tỉ lệ thất nghiệp ngoài sức tưởng tượng của dân chúng. Tại Hy Lạp, 62,5% dân số thất nghiệp trong khi đó ở Tây Ban Nha là 56,4%, Bồ Đào Nha là 42,5% và Italia là 40,5%. Ngay cả những quốc gia có tỉ lệ thất nghiệp thấp thì con số thất nghiệp cũng lên tới 7,5% như Đức, 8% như Áo và 10,6% như Hà Lan.

Bên cạnh các quốc gia thuộc EU, các cơ quan như Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, Nghị viện châu Âu… đều phải vào cuộc với một quyết tâm cao: đẩy lùi nạn thất nghiệp. Hội nghị thượng đỉnh EU hồi tháng 04/2009 đã từng dành cả một kỳ họp để bàn thảo về vấn nạn trên nhưng đến nay đã hơn 4 năm trôi qua, "căn bệnh kinh niên" đó bỗng bùng phát mạnh hơn và có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng xã hội rộng lớn tại châu Âu. Vì vậy, cuộc chiến chống thất nghiệp trong giới trẻ đã trở thành chủ đề nóng tại Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra trong hai ngày 27-28/6.

Tại hội nghị, Chủ tịch Hội đồng châu Âu, ông Herman Van Rompuy đã bày tỏ quyết tâm: "Trong hai ngày, mục tiêu hàng đầu của Hội nghị là tìm ra những giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu nạn thất nghiệp, chú trọng đến những nước có tỉ lệ thất nghiệp cao, đặc biệt là trong giới trẻ". Quyết tâm và ý chí của 27 thành viên EU tại hội nghị là điều dễ nhận ra nhưng cách thực hiện như thế nào vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Để khởi động được cỗ máy tạo việc làm giảm thất nghiệp, EU cần phải huy động tối thiểu là 25% quỹ xã hội mới có thể thay đổi thực trạng hiện nay. Ngân sách EU thông qua cho giai đoạn 2014-2020 chỉ có gói gọn trong 6 tỉ euro, nhưng thực tế cần chi tới 6 tỉ euro cho sáng kiến giảm thất nghiệp trong giới trẻ tại các nước thành viên có tỉ lệ thất nghiệp vượt quá 25%. Vậy nguồn ngân sách bổ sung cho sáng kiến này sẽ lấy từ đâu sau năm 2016? Các quốc gia thành viên có tỉ lệ thất nghiệp dưới 25% có được giải ngân không?... Nhiều thành viên nghi ngờ quyết tâm của hội nghị, họ cho rằng ý chí đó chỉ như hành động "buộc dây vào sừng bò tót" chứ không thể hạ gục chú bò tót đang hung hăng. Mặc dù cuộc chiến chống nạn thất nghiệp đã được hội nghị thượng đỉnh đưa ra nhưng khó có thể tìm được sự đồng thuận trong 27 thành viên tham dự Hội nghị thượng đỉnh lần này.

                                                      
Đỗ HưngPhóng viên TTXVN tại Bỉ


EU tìm cách giải quyết nạn thất nghiệp
EU tìm cách giải quyết nạn thất nghiệp

Theo phóng viên TTXVN tại Bỉ, chiều 27/6 (giờ địa phương), các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh mùa hè, kéo dài trong hai ngày 27-28/6. Đây là hội nghị thượng đỉnh cuối cùng trong nhiệm kỳ chủ tịch luân phiên EU của Ireland.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN