Cụ thể, bộ chữ viết tiếng Raglai theo dạng tự La-tinh bao gồm 26 chữ cái, có 20 phụ âm, 6 nguyên âm. Trong đó, 20 chữ cái đọc như tiếng Việt, 6 chữ cái gồm C, D, J, W, Y, Z có quy ước đọc khác với tiếng Việt để phù hợp với âm vị học trong tiếng nói của người Raglai. Ngoài ra, bộ chữ cũng quy định các chữ cái và dấu thanh không sử dụng trong tiếng Raglai để tiện phân biệt âm điệu giọng đọc lên, xuống trong tiếng Raglai, tạo thuận lợi cho người học.
Bộ chữ viết tiếng Raglai là kết quả của đề tài khoa học “Xây dựng chữ viết Raglai và biên soạn sách học tiếng Raglai tại Ninh Thuận”, do tỉnh Ninh Thuận phối hợp Viện Ngôn ngữ học nghiên cứu xây dựng với sự đóng góp về chuyên môn của các chuyên gia ngôn ngữ người Raglai, nhà nghiên cứu văn hóa, giáo dục am hiểu văn hóa Raglai và ý kiến đóng góp của đồng bào Raglai tại các địa phương.
Theo ông Lê Văn Bình, việc đưa bộ chữ dân tộc Raglai vào sử dụng có ý nghĩa quan trọng trong thực tiễn, phục vụ đắc lực cho việc sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ của đồng bào Raglai. Đây cũng là chữ viết trong dạy và học tiếng Raglai cho không chỉ người Raglai mà cả công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và những ai có nhu cầu học tập, sử dụng tiếng Raglai. Bên cạnh đó, việc chuẩn hóa chữ viết của đồng bào Raglai tạo điều kiện cho đồng bào nắm rõ đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương phối hợp với các đơn vị liên quan đưa bộ chữ Raglai vào cuộc sống. Cụ thể là tuyên truyền sâu rộng dưới nhiều hình thức về bộ chữ Raglai, yêu cầu sử dụng chính thức bộ chữ Raglai đã được tỉnh phê duyệt, nghiên cứu biên soạn sách và tổ chức dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc Raglai trong các trường phổ thông theo quy định của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thời gian qua, tỉnh Ninh Thuận mở các lớp đào tạo tiếng Raglai giúp công chức, viên chức hiểu được tiếng nói, chữ viết và những kiến thức cần thiết về văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào phục vụ công tác chuyên môn. Tài liệu giảng dạy được UBND tỉnh thiết kế với 10 chủ đề, bao gồm bài học bằng song ngữ Raglai - Việt dựa theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo với thời lượng học tập 450 tiết. Trong đó, 280 tiết lý thuyết, 170 tiết thực hành luyện nghe, nói và ôn tập, kiểm tra cấp chứng chỉ.
Tỉnh Ninh Thuận hiện có hơn 72.200 người Raglai, sinh sống chủ yếu ở các huyện Bác Ái, Ninh Sơn, Thuận Bắc, Ninh Hải và Thuận Nam. Đồng bào Raglai có kho tàng di sản văn hóa phong phú, nhưng do nền văn hóa dân gian chủ yếu truyền miệng nên hiện nay còn rất ít người biết đọc, viết chữ của dân tộc mình.