Chứng khoán 2015 dự báo khởi sắc

Theo nhận định của VinaCapital, chỉ số VN Index tăng trưởng khả quan trong năm 2014, đạt khoảng 620 - 650 điểm và sẽ tăng trưởng mạnh hơn trong năm 2015. Nhận định lạc quan này đến từ sự đánh giá môi trường đầu tư đã cải thiện đáng kể, lạm phát tăng thấp, lãi suất giảm, chi phí doanh nghiệp giảm và lợi nhuận của doanh nghiệp tăng trưởng hơn. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp lớn đã cổ phần hóa sẽ lên sàn trong năm 2015, thu hút sự chú ý của các doanh nghiệp ngoại.

Nhiều điểm “sáng” trong năm 2014


Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, niềm tin và sự lạc quan thị trường chứng khoán (TTCK) 2015 tương đối cao là nhờ chúng ta đã có biện pháp tốt hơn để khuyến khích đầu tư, kể cả đầu tư khu vực nhà nước. Đây có thể được xem là điểm sáng khi tổng vốn đầu tư năm 2014 có khả năng trên 30% GDP. Ngoài ra, kinh tế vĩ mô tiếp tục được giữ ổn định, nhất là lạm phát được kiểm soát hiệu quả, giúp doanh nghiệp yên tâm triển khai kế hoạch kinh doanh của mình. Theo đó, môi trường cho các hoạt động sản xuất kinh doanh đã tốt hơn, tiêu thụ hàng tồn kho và thị trường cũng đã có chuyển biến tích cực…

Sự có mặt của các tên tuổi lớn như Mobifone đang tạo sự “kích thích” dòng vốn mới từ trong và ngoài nước.


Bên cạnh những kết quả đạt được của nền kinh tế, những chính sách, biện pháp nhằm tăng sản phẩm mới cho TTCK trong năm qua cũng đã đem lại nhiều kết quả tích cực. Cụ thể, vào giữa tháng 9/2014, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã ban hành quyết định số 51/2014/QĐ-TTg quy định một số nội dung về thoái vốn, bán cổ phần và đăng ký giao dịch, niêm yết trên TTCK của doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Quy định có điểm đáng chú ý là cho phép DNNN thoái vốn dưới mệnh giá, dưới giá trị sổ sách kế toán sau khi đảm bảo hạn chế tối đa tổn thất đầu tư và bảo tồn vốn nhà nước ở mức cao nhất khi chuyển nhượng. Đây được xem như “cú hích” thúc đẩy quá trình thoái vốn nhà nước, đem lại nhiều sản phẩm hơn cho thị trường chứng khoán.

Theo ông Tống Minh Tuấn, Giám đốc khối dịch vụ ngân hàng đầu tư của sàn chứng khoán Vietcombank, khi quá trình thoái vốn được thúc đẩy sẽ đem lại sự sôi động cho thị trường chứng khoán với nhiều hàng hóa cũng như lượng tiền đổ vào mua các doanh nghiệp từ khối DNNN. Đồng thời, sau khi vốn Nhà nước rút khỏi, các doanh nghiệp sẽ tiến hành tái cấu trúc và xuất hiện trên thị trường với diện mạo khác hẳn, hấp dẫn được một lượng lớn dòng tiền đầu tư, trong đó có cả đầu cơ tăng giá.

Một điểm nhấn nữa là quỹ hoán đổi danh mục (ETF) nội đã đi vào hoạt động. Hiện có 2 chứng chỉ quỹ đang hoạt động là E1VFVN30 do CTCP Quản lý Quỹ đầu tư Việt Nam (Công ty VFM) quản lý và SSIAMHNX30 do Công ty Quản lý tài sản SSI quản lý. Ngoài ra, Trung tâm lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) đã thông qua quy chế tổ chức hoạt động vay và cho vay chứng khoán, tạo động lực khuyến khích thị trường quỹ ETF phát triển tại Việt Nam. Theo ý kiến nhiều chuyên gia, việc hình thành quỹ ETF nội mang lại tư duy đầu tư mới cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy dòng tiền. Ngoài ra, quỹ ETF nội còn có thể góp phần thay đổi hành vi và văn hóa đầu tư trên TTCK.

Đẩy nhanh cổ phần hóa

Nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, TTCK 2015 sẽ thật sự khởi sắc khi có nhiều doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa (CPH) lên sàn, bởi hầu hết những doanh nghiệp này đều lớn và có vai trò quyết định cho sự phát triển của nền kinh tế. Do đó, cùng với sự thay đổi chính sách, nền kinh tế lạc quan thì đây chính là cơ hội để hút dòng tiền lớn từ các nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài. Nhất là trong năm 2015, Việt Nam sẽ mở rộng cửa khi hàng loạt hiệp định như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015… hoàn tất các vòng đàm phán và ký kết.

Chính vì vậy, việc đẩy mạnh CPH DNNN đang được UBCKNN ráo riết thực hiện. Theo kế hoạch, trong 2 năm 2014 và 2015 sẽ phải hoàn thành cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước (DNNN). Đến nay, cả nước mới tái cơ cấu được khoảng 120 doanh nghiệp, trong đó CPH 100 doanh nghiệp, thoái vốn được trên 3,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, số lượng doanh nghiệp sẽ CPH trong năm 2015 là rất lớn. Theo đó, có rất nhiều "hàng khủng" của các tập đoàn, tổng công ty và cổ phần của các DNNN.

Ông Don Lam, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư, cho biết các nhà đầu tư ngoại đặc biệt quan tâm tới các lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, hàng tiêu dùng... Ngoài ra, sự có mặt của các tên tuổi lớn như Vietnam Airlines, Mobifone... đang tạo sự "kích thích" dòng vốn mới từ trong và ngoài nước cho thị trường. Riêng các nhà đầu tư Nhật Bản hiện rất quan tâm tới các dự án hạ tầng, nhà máy phát điện, đặc biệt là một số nhà máy phát điện có kế hoạch CPH và IPO cuối năm nay như Tổng Công ty điện lực của Vinacomin…Tuy nhiên, ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Công ty quản lý quỹ Dragon Capital - đại diện Nhóm công tác thị trường vốn, cho rằng các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cải thiện khâu quản trị, đồng thời đẩy mạnh tiến độ CPH các DNNN. Bởi hiện nay, tiến độ CPH vẫn diễn ra rất chậm vì vướng mắc nhiều thủ tục hành chính.

Ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, cho biết trong năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 15 về "Một số giải pháp thúc đẩy nhanh tiến độ thoái vốn cũng như thúc đẩy quá trình cổ phần hóa, sắp xếp đổi mới DNNN", và cụ thể hóa hơn bằng Quyết định 51/2014. Đây là một bước đột phá rất quan trọng, góp phần tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong việc CPH, thoái vốn, và từ đó thúc đẩy, gắn kết với việc niêm yết, giao dịch trên TTCK có tổ chức. Bên cạnh đó, UBCKNN cũng đã làm việc với Bộ Tài chính tìm cách giảm thiểu các thủ tục hành chính trong việc xem xét các thủ tục, hồ sơ. UBCKNN đã yêu cầu các đơn vị thành viên giảm thời gian xem xét hồ sơ từ 30 ngày xuống còn 20 ngày. Tất cả các khâu thủ tục liên quan đến thoái vốn và CPH của các tập đoàn, DNNN, UBCKNN ưu tiên xử lý sớm để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty thoái vốn, cổ phần hóa và nhanh chóng đưa các công ty này lên giao dịch tập trung trên TTCK.

Cần sớm nới room cho đầu tư ngoại

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, để hấp thụ được nguồn cung doanh nghiệp CPH giai đoạn tới, thị trường cần khoảng 5-10 tỷ USD. Do vậy, Chính phủ cần có những giải pháp kỹ thuật để hút nguồn vốn, như đẩy nhanh thành lập quỹ hữu trí bổ sung, mời một số tổ chức quốc tế uy tín thực hiện những chương trình quảng bá quốc tế cho công ty lớn sẽ CPH; cân nhắc mời một số nhà đầu tư chiến lược tham gia CPH; tăng sở hữu nước ngoài. Trong đó, việc tăng sở hữu cho khối ngoại đóng vai trò quan trọng bởi quý IV-2015 UBCKNN mới xem xét lại quy định này.

Ông Dominic Scriven cho rằng nếu vẫn hạn chế sở hữu 49% thì tổng giá trị cổ phần (bất kể tốt, xấu) nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ mua được gần 6 tỷ USD. Còn nếu xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa, thanh khoản (bất kể tốt, xấu) để được vào rổ VN30, khối ngoại chỉ mua tối đa 3,1 tỷ USD, tương đương 5% vốn hóa thị trường. Chính những quy định này, từ đầu năm đến nay, TTCK Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 150 triệu USD, một con số quá nhỏ khi so với vốn FDI khoảng 10 tỷ USD.

Theo đó, để tăng sở hữu nước ngoài, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị: Đối với các ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình WTO, cho sở hữu nước ngoài lên đến 100%; chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành nghề, lĩnh vực cần hạn chế đầu tư hoặc những ngành nghề đầu tư có điều kiện và không quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề/lĩnh vực còn lại. Tuy nhiên, theo ông Vũ Bằng, việc nới sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cần thiết phải đợi thêm một thời gian. Tinh thần chung sẽ nới room đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực không cần hạn chế, bước đầu có thể nâng lên 60% đối với một số lĩnh vực. Bộ Tài chính đã dự thảo một quyết định của Thủ tướng để hiện thực hóa việc nới room ở một số lĩnh vực.

Bài và ảnh: Hải Yên

Giá vàng khép lại năm 2014 ở mức gần 1.200 USD/ounce
Giá vàng khép lại năm 2014 ở mức gần 1.200 USD/ounce

Trong phiên giao dịch chiều ngày 31/12, ngày cuối cùng của năm 2014, thị trường vàng châu Á chuyển động theo chiều hướng tăng giá.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN