“Cô đỡ thôn bản”, “ Bà đỡ thôn bản” hay “Bà đỡ dân gian” đã trở thành thuật ngữ quen thuộc để gọi những người phụ nữ đã dám vượt qua hủ tục lạc hậu, mang đến những thay đổi lớn trong thói quen sinh sản của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước, giúp nhiều chị em “vượt cạn” an toàn…
28 tuổi nhưng chị Linh Thị Chiêm, người dân tộc Tày, ngụ xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng đã có gần 12 năm kinh nghiệm làm cô đỡ ở huyện Bù Đăng. Từ nhiều năm nay, chị Chiêm được nhiều người trong xã gọi thân mật với cái tên “Bà đỡ Chiêm”.
Chị đã giúp rất nhiều chị em phụ nữ trong xã an toàn lúc “vượt cạn”. Từ khi làm công việc này đến nay, tất cả các ca đỡ đẻ do chị Chiêm thực hiện chưa có trường hợp nào xảy ra tử vong mẹ, hay tử vong sơ sinh. Năm 1999, khi vừa tròn 16 tuổi, chị Chiêm được Hội phụ nữ huyện tuyển chọn tham gia khóa thứ nhất đào tạo về y tế cộng đồng do Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ thực hiện và được sự tài trợ của Công ty tư vấn y tế cộng đồng Glaxosmithkline.
Chị Chiêm tâm sự: Khi vừa xong khóa đào tạo, tôi về xã tuyên truyền còn bị bà con chửi, đuổi. Vận động bà con phải đi khám thai, chích ngừa cho trẻ, nhưng không ai chịu đi vì cho rằng vừa tốn tiền, vừa mất công. Nhưng sau nhiều lần vận động, giải thích rồi bà con cũng hiểu, nhiều người đã nghe lời khuyên của tôi, đến khám ở trạm y tế".
Chị Chiêm đang chăm sóc bệnh nhân. |
Chị Chiêm cho biết thêm, nhiều hôm, chị phải bỏ cả việc nhà sang giúp bà con để họ đi khám bệnh. Những trường hợp sinh tại nhà, chị đều đến giúp đỡ miễn phí. "Người dân trước đây cứ đau ốm là tìm đến thầy mo. Nhưng cúng mãi không khỏi, được vận động đến trạm xá khám chữa bệnh khỏi, nay bà con đã biết tự đi khám khi có bệnh trong người. Khi có việc cần họ đều gọi đến mình cả" - chị Chiêm phấn khởi nói.
Còn chị Điểu Thị Nhíp (37 tuổi), người dân tộc S’Tiêng, ngụ tại xã Lộc An, huyện Lộc Ninh cũng đã có 10 năm làm “Cô đỡ thôn bản”. Tuy người mảnh khảnh, lại rụt rè trong giao tiếp, nhưng chị Nhíp là một bà đỡ mát tay nhất vùng này.
Chị thật lòng bày tỏ: “Tôi chỉ có mong muốn được cùng góp sức với cơ quan y tế địa phương trong việc tuyên truyền, vận động để người dân trong thôn ấp, nhất là phụ nữ hiểu biết được lợi ích của việc sinh đẻ có kế hoạch, biết cách chăm sóc con trước và sau khi sinh, nhằm xóa bỏ phong tục tập quán lạc hậu đã đè nặng lên vai người phụ nữ lâu nay”.
Ông Lê Huy Hùng, Trưởng trạm y tế xã Nghĩa Bình, huyện Bù Đăng cho biết: "Trước đây, khi chưa có chương trình đào tạo “Cô đỡ thôn bản”, tỷ lệ sản phụ và trẻ sơ sinh chết ở đây là rất cao, nhưng đến nay không còn các trường hợp mắc tai biến sản khoa, tử vong mẹ và tử vong sơ sinh".
Bác sĩ Nguyễn Lương Minh, Phó Giám đốc Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản tỉnh Bình Phước cho biết: Hiện có trên 29 cô đỡ qua đào tạo đã được tuyển làm nhân viên y tế thôn bản, 61 cô đỡ được đào tạo đã làm việc hiệu quả.
Tuy nhiên, cũng theo bác sĩ Minh, đây là con số còn rất khiêm tốn tại một tỉnh miền núi khó khăn như Bình Phước. Hiện mỗi cô đỡ phải phụ trách từ 2 - 3 thôn, địa bàn rộng, đi lại khó khăn, nhất là về buổi tối hoặc những ngày mưa bão; phụ cấp của các cô đỡ nơi có nơi không, chưa đảm bảo cho hoạt động.
Hiệu quả đã thấy rõ, các cô đỡ thôn bản thực sự đã là những cánh tay “vươn dài” của ngành y tế xuống các thôn bản vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, đến nay hầu hết những người có vai trò quan trọng này lại đang làm việc không lương, vì vậy đã ảnh hưởng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của mô hình. Thiết nghĩ, ngành y tế và các cơ quan chức năng cần có những biện pháp thiết thực hơn để duy trì và phát triển nguồn nhân lực quan trọng này.
Đậu Tất Thành