PGS.TS Lương Ngọc Khuê (ảnh), Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), trao đổi với phóng viên Báo Tin tức về việc áp dụng chính sách chuyển tuyến hợp lý, để giảm quá tải BV nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Thưa ông, ranh giới giữa bệnh nặng và bệnh nhẹ rất khó phân định, vậy đâu là căn cứ các cơ sở y tế và cả người bệnh thực hiện việc chuyển tuyến?
Trên thực tế có tới 60% bệnh nhân ở tuyến TƯ có thể điều trị ở tuyến dưới. Với tình trạng vượt tuyến hiện nay, các BV tuyến trên vẫn phải thực hiện khám, chữa bệnh đối với một số bệnh thường gặp với kỹ thuật thông thường, có thể điều trị ở tuyến dưới như đỡ đẻ thường, viêm đường hô hấp cấp… Do đó, việc chuyển viện lên tuyến trên phải căn cứ theo quy chế về chuyển tuyến, đó là những trường hợp bệnh nặng, vượt quá khả năng chuyên môn của BV tuyến dưới, được hội đồng chuyên môn của khoa hoặc hội đồng chuyên môn BV, Hội đồng liên viện, hội chẩn xem xét quyết định.
Bên cạnh đó, việc sàng lọc bệnh nhân cũng rất quan trọng. Bộ trưởng Bộ Y tế đã giao Vụ Tổ chức cán bộ xây dựng chế tài với lãnh đạo BV, lãnh đạo khoa phòng tiếp nhận bệnh nhân không sàng lọc, nếu là bệnh nhẹ, tuyến dưới chữa được mà BV tuyến trên cho nhập viện sẽ bị xem xét, xử lý theo các mức độ quy định.
Nhiều cơ sở KCB tuyến dưới rất thiếu cán bộ, nhất là các BV tuyến huyện. Vậy tại những BV này có áp dụng ngay chính sách thắt chặt chuyển tuyến không, thưa ông?
Đối với những BV còn thiếu về nhân lực, Bộ Y tế đã cử nhiều cán bộ thực hiện Đề án 1816 đi luân phiên từ TƯ về tỉnh, tỉnh về huyện, huyện về xã để giảm quá tải, tăng chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời cũng là phương thức đào tạo nhân lực. Ngoài đào tạo tại các trường đại học y dược, Vụ Khoa học đào tạo đã xây dựng chương trình đào tạo lại, nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế cơ sở.
Bộ Y tế cũng đã thành lập 23 cơ sở chỉ đạo tuyến ở các BV đầu ngành để giúp đào tạo cho tuyến dưới, đào tạo bác sĩ chuyên khoa 1-2 cho các bác sĩ ở huyện, tỉnh. Bên cạnh đó, Chính phủ đã cho phát hành trái phiếu để ngành y tế có điều kiện đầu tư xây dựng các BV, trong đó có việc đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp BV đa khoa tuyến huyện và đầu tư cho các BV đa khoa, chuyên khoa tuyến tỉnh.
Vậy ngành y tế có giải pháp nào để kiểm tra việc giữ bệnh nhân quá mức ở tuyến dưới, cũng như kiểm soát tình trạng “lạm dụng” chính sách chuyển tuyến để gây khó dễ cho người bệnh?