Phân tuyến kỹ thuật và áp dụng quy chế chuyển viện chặt chẽ là một trong những giải pháp mà ngành y tế đang nghiên cứu triển khai nhằm giảm tình trạng quá tải bệnh viện ở tuyến trên. Tuy nhiên, nhiều người dân lo ngại chính sách này sẽ cản trở người bệnh tiếp cận với những dịch vụ khám chữa bệnh chất lượng trong khi hệ thống y tế cơ sở còn yếu kém nhiều mặt.
Mất niềm tin vào chất lượng khám chữa bệnh của y tế cơ sở là nguyên nhân chính khiến nhiều người bệnh muốn vượt lên tuyến điều trị cao hơn.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh
Với các triệu chứng của bệnh huyết áp như: Huyết áp tăng, hoa mắt chóng mặt, buồn nôn… bà Nguyễn Thị Hiền, Vĩnh Tuy, Hà Nội được gia đình đưa ngay tới Bệnh viện (BV) Lão khoa TƯ để khám chữa bệnh (KCB). Sau đó, dù phải chịu cảnh quá tải, phải nằm cáng để truyền thuốc và phải chi trả tới 70% viện phí thay vì 20% nếu điều trị ở BV tuyến dưới… nhưng bà Hiền và gia đình vẫn thấy yên tâm.
Áp dụng quy chế chuyển viện chặt chẽ sẽ góp phần giảm tình trạng quá tải ở tuyến trên. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN |
Hơi nhích người trên cáng để có tư thế nằm thoải mái hơn, bà Hiền kể tiếp: “Dạo trước, tôi bị đau ruột thừa nhưng bác sĩ tại BV tuyến dưới lại chẩn đoán là đau bụng giun và cho tôi tẩy giun. Nhưng thấy tôi đau bụng ngày càng dữ dội, bất thường nên gia đình vội vã đưa tôi lên BV Việt Đức để khám và may là tôi được mổ ruột thừa cấp cứu kịp thời”. Bà Hiền còn cho biết thêm, cũng tại BV tuyến dưới này, một lần bà Hiền đưa mẹ đến điều trị đã “được” các bác sĩ cho “ra viện” vì lý do vô phương cứu chữa. Nhưng “còn nước, còn tát” nên bà Hiền vội đưa mẹ lên BV tuyến TƯ để phẫu thuật. Sau đó, mẹ bà Hiền đã hồi phục nhanh và sống khỏe mạnh… “Với kinh nghiệm đó, chúng tôi cứ ốm đau là lên BV TƯ cho yên tâm vì sức khỏe là quý nhất”.
TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, cũng chia sẻ: “Nhiều người bệnh vào BV tuyến huyện khám bệnh nhưng sau đó, họ bỏ hết các kết quả xét nghiệm và điều trị ở tuyến dưới, vay mượn khắp nơi để có tiền lên BV TƯ để điều trị. Bởi vậy, muốn giảm được quá tải BV thì các cơ sở y tế tuyến dưới cần được hỗ trợ nhiều hơn về nhân lực và trang thiết bị…”.
Theo TS Tuấn, phần lớn người bệnh đang tự vượt tuyến, chỉ có một số ít bệnh nhân mới vào tuyến dưới để chờ hoặc xin chuyển lên tuyến trên. Do đó, nếu Bộ Y tế kiên quyết áp dụng quy chế chuyển tuyến ngặt nghèo khi chưa có giải pháp hữu hiệu khác đi kèm thì cũng có nghĩa là chỉ tạo thêm thủ tục hành chính đối với người bệnh.
“Nếu “siết” chuyển tuyến, khả năng còn có thể xảy ra tình huống cố giữ bệnh nhân ở tuyến dưới. Lúc này, bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên thì phải tự tìm cách “chạy vạy”. Như vậy thì e rằng, “bệnh” nhận phong bì sẽ sớm lan xuống cả các cơ sở y tế tuyến dưới. Nếu người bệnh cân nhắc hơn khi đi KCB, thậm chí họ sẽ tự chữa bệnh tại nhà”, ông Tuấn khuyến cáo.
Các bệnh nhi phải nằm ngoài hành lang Khoa Nhi của Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh: Đinh Thị Hương - TTXVN phát |
TS Lý Ngọc Kính, Phó Chủ tịch Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, còn lưu ý: “Với những chính sách quản lý tài chính hiện hành, không có bệnh nhân thì BV sẽ thiếu nguồn thu. Tuy nhiên, cần đặt tính mạng của người bệnh lên trên hết, những BV không đủ nhân lực, năng lực điều trị thì không được áp dụng quy chế chuyển viện, cần sớm chuyển bệnh nhân lên tuyến trên để điều trị kịp thời”.
Đồng tình với quan điểm này, một bác sỹ tại khoa Khám bệnh, BV Việt Đức chia sẻ: “Thời điểm áp dụng quy chế chuyển tuyến cần được tính toán một cách hợp lý. Bởi lẽ, quyền lợi của người bệnh cần được ưu tiên số một trong mọi chính sách về y tế. Họ có quyền được chọn BV tốt, thầy thuốc tốt để tránh được những biến chứng và thời gian nằm viện không cần thiết. Chúng tôi cũng không thể nào từ chối KCB khi bệnh nhân đã tới BV để điều trị”.
Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực
Theo TS Lý Ngọc Kính: “Hiện nay, đối với tình trạng quá tải BV, có cả hiện tượng quá tải thật và quá tải ảo”.
Trước hết, quá tải thật là do ngành y tế chưa “nắm” được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Nhu cầu KCB của người dân rất lớn nhưng ở tuyến dưới chưa có những chuyên khoa như: ung thư, tim mạch, nội tiết, chấn thương… Do đó, bệnh nhân buộc phải dồn về BV tuyến TƯ, tạo nên tình trạng quá tải tải thực sự tại một số chuyên khoa ở một số BV tuyến trên. Còn tình trạng quá tải ảo đang xảy ra tại nhiều BV tuyến TƯ là do tâm lý, người dân thiếu tin tưởng vào chất lượng điều trị tại tuyến dưới.
“Để giải quyết tình trạng quá tải ảo, cần phải nâng cao chất lượng dịch vụ KCB cho tuyến dưới. Chú trọng đào tạo thêm nguồn cán bộ và tăng cường cán bộ cho tuyến dưới thông qua việc luân phiên, luân chuyển cán bộ. Đặc biệt, cần phải khẩn trương đào tạo đội ngũ bác sĩ gia đình. Với khả năng tiếp cận dễ dàng với từng người dân, đội ngũ bác sĩ gia đình có thể tư vấn, giới thiệu người bệnh lên các bệnh tuyến trên một cách phù hợp nhất”, TS Lý Ngọc Kính khẳng định. Ngoài ra, để chống tình trạng quá tải ảo, ngành y tế cũng cần có chính sách khuyến khích điều trị ngoại trú. Thực hiện không chi trả cho những trường hợp vượt tuyến, trừ trường hợp cấp cứu. Khi số tiền chi trả viện phí cao hơn, những người mắc bệnh nhẹ sẽ cân nhắc về việc điều trị bệnh ở tuyến dưới.
Trưởng khoa Khám chữa bệnh của một bệnh viện tuyến trung ương cho rằng, áp dụng chính sách chuyển tuyến ngặt nghèo là một giải pháp có thể góp phần giúp ngành y tế giảm quá tải BV. Tuy nhiên, chính sách này cần được thực hiện từng bước và song song với rất nhiều giải pháp khác sao cho không ảnh hưởng đến quyền lợi của bệnh nhân. Thời gian tới, ngành y tế cũng cần chú trọng việc xây dựng các BV khu vực, có phạm vi điều trị cho một số tỉnh. Đầu tư trang thiết bị và tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ cho tuyến cơ sở đi đôi với việc nâng cao quyền lợi cho họ (kinh tế, học tập, khả năng tiến thân…). Có như vậy, cán bộ y tế cơ sở mới yên tâm “bám trụ”, thực sự dồn hết tâm huyết cho hoạt động chữa bệnh, cứu người.
Phương Liên