Nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng sạt, trượt đất đá nhiều như hiện nay, thưa ông?
Nguyên nhân của các hiện tượng trượt lở đất đá là do các hiện tượng tai biến địa chất liên quan đến sự dịch chuyển của vật liệu đất, đá, mảnh vụn từ trên sườn dốc xuống phía dưới và ra phía ngoài dưới tác động của trọng lực. Các hiện tượng này có thể xảy ra trên bất kỳ địa hình nào khi mà các điều kiện về vật chất, độ ẩm và độ dốc của sườn cho phép.
Trượt lở đất đá có thể được kích hoạt do nhiều yếu tố ngoại sinh như mưa, bão, lũ, lụt, các quá trình phong hóa đất đá... và nội sinh như động đất, hay do con người làm mất độ ổn định sườn dốc, tăng chấn rung do mìn hoặc máy móc, tăng trọng tải lên mặt sườn dốc, tăng khả năng xói mòn, làm yếu độ liên kết của đất đá, làm yếu đi khả năng giữ đất của rễ cây do các hoạt động phá rừng, nổ mìn, san lấp, cắt, xẻ sườn đồi, núi để xây dựng đường sá, nhà cửa và các công trình khác. Tai biến này có thể dẫn tới thảm họa lớn cho con người và xã hội.
Nguyên nhân khác nữa là các vùng miền núi có đặc điểm địa hình phân cắt, độ dốc lớn, dân cư sống tập trung ở chân đồi, núi, dưới tác động của nhiều hoạt động nhân sinh của con người như xây dựng giao thông, các công trình thủy điện, thủy lợi, các hoạt động chặt phá rừng khiến số lượng và cường độ của thiên tai ngày càng nhiều...
PGS.TS Vũ Mạnh Lợi, nguyên Viện phó Viện Xã hội học - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam |
Thưa ông, để ứng phó với thiên tai hiệu quả nhất, chúng ta cần phải làm gì?
Tôi chia việc ứng phó với thiên tai làm 3 giai đoạn, đó là: Ứng phó trước, trong và sau thiên tai. Cả 3 ứng phó này đều rất quan trọng. Để ứng phó, các cơ quan chức năng phải có sự dự báo chính xác về thời tiết, mức độ nguy hiểm của thiên tai để có công tác chuẩn bị ứng phó chu đáo. Trong việc ứng phó trước với thiên tai cũng cần phải có phương án, thiết kế xây dựng nhà ở cho người dân ở vùng sạt trượt mà không thể di dời, hay việc bảo vệ các công trình xây dựng như giao thông, cơ sở hạ tầng. Công việc này Nhà nước phải có trách nhiệm hỗ trợ, vì người dân sinh sống ở khu vực này thường là có đời sống kinh tế khó khăn.
Mặt khác, cũng cần có phương án di dời tạm thời, vĩnh viễn mặc dù có tốn kém kinh phí đến đâu, bởi việc di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm liên quan đến nhiều vấn đề an sinh xã hội, đất sản xuất, hạ tầng kỹ thuật... Khâu cảnh báo cho người dân và việc di dời chúng ta làm chưa tốt, cần phải tổ chức tập huấn cho người dân các phương án chuẩn bị để ứng phó với thiên tai. Việc này ở các nước hay xảy ra thiên tai có rất nhiều kinh nghiệm như Mỹ, Nhật...
Để giảm thiểu thiệt hại của thiên tai cần có sự dự báo tốt, điều quan trọng nữa là cần có sự tham gia, hợp tác của con người, đặc biệt là sự phối hợp với giữa chính quyền và người dân. Mọi người đều phải chuẩn bị tất cả các phương án tốt nhất cho mình để ứng phó với thiên tai. Mặt khác, phải đào tạo, tập huấn cho người dân hiểu rõ về thiên tai và có kỹ năng trong việc ứng phó với thiên tai, tránh sự đáng tiếc không đáng có xảy ra trong thiên tai. Ứng phó trong thiên tai cũng rất quan trọng, đặc biệt là ý thức của người dân. Tuyên truyền để người dân hiểu, tránh vì cái lợi ích trước mắt như vớt gỗ, hôi của trong thiên tai.
Sạt trượt đất, đá thường xuyên xảy ra ở vùng miền núi. |
Đặc biệt, trong khi thiên tai xảy ra cần chú ý để tránh thiệt hại về người bằng cách chú ý đến những nhóm người yếu thế như: Người già, trẻ em, người tàn tật, phụ nữ. Đồng thời, tập huấn cho người dân biết những cách để thoát khỏi thiên tai cũng như việc sống chung hay ứng phó với nó. Ứng phó sau thiên tai lại càng phức tạp, nếu không khéo sẽ gây mất đoàn kết trong nhân dân.
Đặc biệt, là công tác cứu trợ cần phải thống kê, cứu trợ công bằng, hợp lý. Nếu công tác hỗ trợ không công bằng sẽ gây mất đoàn kết, đồng nghĩa với việc ảnh hưởng đến khắc phục hậu quả thiên tai như vệ sinh môi trường, xây dựng lại cơ sở hạ tầng... Ông đánh giá thế nào về việc phối hợp giữa chính quyền và người dân trong việc ứng phó với thiên tai?
Để ứng phó với thiên tai con người vẫn là trung tâm, đặc biệt là sự phối hợp giữa người dân và chính quyền địa phương để tranh thủ kinh nghiệm của cộng đồng, sức dân, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức xã hội khác ở địa phương. Đặt sự an toàn của người dân lên hàng đầu. Chú ý đặc biệt đến yếu tố con người trong cả trước, trong, sau thiên tai.
Để phòng chống thiên tai cấp cơ sở, đặc biệt là chính quyền cấp xã, huyện cần bàn bạc việc phòng chống thiên tai với cộng đồng dân cư, phát huy vai trò của người dân để tìm ra những giải pháp ứng phó với thiên tai. Trong quá trình chuẩn bị ứng phó với thiên tai, cần có các phương án chuẩn bị ứng phó khi thiên tai xảy ra, đó là các nhu yếu phẩm cần thiết, thông tin liên lạc... để người dân có thể tự nuôi sống bản thân trong những ngày thiên tai xảy ra hoặc khi bị nạn, mắc kẹt thì họ có thông tin để liên lạc với lực lượng cứu hộ. Quan tâm đến nhóm người nghèo, hỗ trợ họ trong việc phòng chống thiên tai: bao cát, chằng chống nhà cửa...
Xin cảm ơn ông!