Xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn, là xã nghèo vùng 3 biên giới, có 258 hộ với 1.341 nhân khẩu sinh sống, đều là đồng bào dân tộc Dao, đời sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp nhưng lại thiếu một con đường giao thông thuận lợi.Con đường “sống trâu” vào Công Sơn. Ảnh: Thắng Trung |
Từ thành phố Lạng Sơn vào đến xã Công Sơn chỉ hơn 20km nhưng mất gần hai tiếng đồng hồ “đánh vật” với cung đường gập ghềnh sỏi đá trên chiếc xe máy, chúng tôi mới có mặt tại trung tâm xã.
Anh Hoàng Phúc Hiển, người dân thôn Nhọt Nặm, xã Công Sơn cho biết: “Mấy chục năm nay chúng tôi phải sống trong cảnh đường chật hẹp, gập ghềnh và đầy sỏi đá. Mùa khô đã khổ, mùa mưa thì việc đi lại của bà con còn khổ gấp bội do đường sá lầy lội, nhiều chỗ lún sâu hàng mét, đi bộ còn khó, nói gì đến đi xe máy, xe đạp”.
Con đường từ xã Thạch Đạn rẽ về trung tâm xã Công Sơn là đường dân sinh, làm cách đây nhiều năm, mặt đường rộng từ 3 - 5m và chủ yếu là đường đất, có đoạn rải cấp phối. Do nhiều năm không được tu sửa, nên nước mưa trên đồi, núi chảy xuống đã san bằng cống rãnh thoát nước, gây xói mòn mặt đường.
Anh Hoàng Trần Hinh, thôn Phiêng Luông, xã Công Sơn cho biết: “Khó khăn về giao thông khiến việc giao thương các sản phẩm từ sản xuất nông nghiệp do bà con làm ra trở nên vô cùng khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế”.
Đoàn công tác tỉnh Lạng Sơn đến hỗ trợ quần áo rét. Ảnh: Hoàng Nam |
Thực hiện phong trào “Lạng Sơn cùng cả nước xây dựng nông thôn mới”, xã Công Sơn đã từng bước tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng dân sinh, trong đó việc hoàn chỉnh đường về các thôn, cụm dân cư được ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, như ông Triệu Sáng Phúc, Chủ tịch UBND xã Công Sơn, chia sẻ: “Việc đầu tư cho giao thông hết sức quan trọng, nhưng khó là nguồn kinh phí rất hạn hẹp, khi lồng ghép nhiều nguồn vốn cũng không đầu tư hoàn chỉnh được. Đến nay, Công Sơn cơ bản có đường giao thông về đến các thôn, nhưng chỉ mới dừng lại chỗ san ủi, mở rộng, chưa đổ bê tông được”.
Mùa mưa lại đến, người dân vùng cao Công Sơn lại phải đối mặt với cảnh đi bộ dài ngày, tài sản xe máy hư hỏng dọc đường, tốn sức người, của cải. Bà con nơi đây mong mỏi sớm có một con đường đi lại thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, đời sống bớt khó khăn.
Thắng Trung