Báo Tin Tức đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm UBDT Sơn Phước Hoan (ảnh) về vấn đề này.
Xin Thứ trưởng cho biết mục tiêu thiên niên kỷ đối với vùng đồng bào DTTS giai đoạn 2016 - 2020?
Quyết định 1557 đã thể hiện sự cam kết, sự quan tâm đặc biệt, quyết liệt của Chính phủ đối với việc phát triển mọi mặt vùng DTTS và miền núi với 7 nhóm mục tiêu phát triển bền vững (gồm 19 chỉ tiêu quan trọng) là: Xóa bỏ tình trạng nghèo cùng cực và thiếu đói; phổ cập giáo dục tiểu học; tăng cường bình đẳng nam nữ và nâng cao vị thế cho phụ nữ; giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ em; tăng cường sức khỏe bà mẹ; phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các dịch bệnh khác; đảm bảo bền vững về môi trường.
Quyết định này đã thể chế hóa các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ đối với đồng bào DTTS vào trong các Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020 của quốc gia và từng bộ, ngành, địa phương; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chính sách từ Trung ương đến địa phương, đẩy mạnh phân cấp cho chính quyền cơ sở, tăng cường sự tham gia của người dân trong quá trình xây dựng và tổ chức thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Tăng cường hợp tác quốc tế, huy động vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật của các nước, các đối tác phát triển và tổ chức quốc tế; xây dựng cơ chế theo dõi, đánh giá, giám sát một cách hiệu quả và xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan.
Hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào để phát triển bền vững. |
Có thể khẳng định, Quyết định 1557 một lần nữa thể hiện sự quyết tâm cao độ cũng như cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện thành công các mục tiêu thiên niên kỷ và mở ra một kỳ vọng mới và quan trọng là sự cam kết để “không ai bị bỏ lại phía sau”.
UBDT đã có những bước đi cụ thể như thế nào để thực hiện các mục tiêu trên, thưa Thứ trưởng?
Ngay sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 1557, UBDT đã tham mưu và phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương có đông đồng bào DTTS, những nơi các mục tiêu còn có sự chênh lệch cao để ban hành các văn bản hướng dẫn cũng như việc phân bổ, đầu tư các nguồn lực để tổ chức triển khai, thực hiện có hiệu quả quyết định này. Đồng thời, đẩy mạnh công tác truyền thông, tuyên truyền để người dân tích cực tham gia, góp phần hoàn thành các mục tiêu.
UBDT cũng đã tổ chức các diễn đàn, các hội nghị, hội thảo tham vấn ở các khu vực trên cả nước, với sự tham gia của các đối tác phát triển, các cơ quan, bộ, ngành, các địa phương và cộng đồng các dân tộc… Qua đó, ghi nhận được nhiều ý kiến trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn cũng như kế hoạch triển khai. Trong đó, tập trung ý kiến của từng khu vực để làm thế nào việc hướng dẫn được sát thực tế, lồng ghép có hiệu quả các văn bản hướng dẫn.
UBDT đã ban hành văn bản mang tính chất đôn đốc các bộ, ngành và địa phương trong việc phân công triển khai thực hiện Quyết định 1557. Đối với từng bộ được quy định tại quyết định này; chúng tôi đưa ra lộ trình cụ thể cần có những văn bản như thế nào để giúp các địa phương triển khai được tốt. Đồng thời, trong những văn bản đó, đề nghị các địa phương giao cho cơ quan làm công tác dân tộc là cơ quan thường trực, làm đầu mối tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc lồng ghép và triển khai thực hiện các mục tiêu tại các địa phương. Chúng tôi cũng đề xuất Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần sớm có hướng dẫn chi tiết để các địa phương có kế hoạch lồng ghép có tính khả thi với những nguồn lực đã được phân bổ. Đồng thời, chỉ đạo đơn vị chức năng của UBDT xây dựng dự thảo văn bản hướng dẫn chi tiết liên quan đến việc tổ chức triển khai làm thế nào để quyết định này sớm được thực thi, đi vào cuộc sống. Để các mục tiêu này được triển khai một cách thiết thực và cụ thể tại địa bàn dân cư có đông đồng bào DTTS sinh sống.
Để các mục tiêu thiên niên kỷ đạt kết quả cao nhất thì cần sự phối hợp giữa các bộ, ngành ở địa phương như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Để đạt được mục tiêu thiên niên kỷ, đòi hỏi sự phối hợp cần chặt chẽ hơn. UBDT tuy là cơ quan thường trực tham mưu Chính phủ quản lý, theo dõi, kiểm tra và hướng dẫn triển khai thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ gắn với phát triển bền vững sau 2015, nhưng thực tế UBDT không nắm về nguồn lực, các cơ chế theo Quyết định 1557 phát huy vai trò chủ động của các bộ, ngành chức năng và vai trò của các địa phương có liên quan đến các mục tiêu này. Vì vậy, trong việc triển khai thực hiện, kể cả việc xây dựng văn bản hướng dẫn tới đây cần có sự phối hợp ngay từ đầu. Cũng do đó, dù không phải là thông tư liên tịch mà chỉ là văn bản hướng dẫn của UBDT, nhưng những nội dung cần triển khai và các chỉ tiêu cụ thể gắn với chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành cũng cần có sự thống nhất của các bộ, ngành chủ quản. Vì vậy, cần sự vào cuộc của các bộ, ngành ngay từ đầu khi xây dựng văn bản hướng dẫn.
Vai trò của UBDT cũng như hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc với tư cách được giao thường trực của chương trình này chủ động chủ trì dự thảo văn bản hướng dẫn, chủ trì tổ chức các cuộc hội thảo lấy ý kiến. Đồng thời, xin ý kiến bằng văn bản của các bộ, ngành để có sự phối hợp chặt chẽ. Đối với các địa phương thì cần có sự chủ động để tham mưu cho các cấp chính quyền địa phương trong việc phối hợp. Để tham mưu thẩm định nội dung các chính sách được giao tại quyết định này, UBDT cần xây dựng quy chế và đưa ra những cơ chế, tiêu chí để giúp cho cơ quan công tác dân tộc địa phương có cơ sở thống nhất tham mưu cho cấp ủy chính quyền làm tốt chức năng này. Về mặt nguồn lực cần có sự phối hợp chặt hơn nữa giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư với UBDT, giữa cơ quan làm công tác dân tộc ở địa phương với Sở Kế hoạch và Đầu tư để lồng ghép vốn có hiệu quả cao nhất, thể hiện được tính ưu tiên các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu cụ thể…
Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!