Cựu Thủ tướng Yingluck trở về Thái Lan

Cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra đã kết thúc chuyến du lịch nước ngoài và trở về Bangkok vào lúc 10 giờ tối 10/8, theo đúng giao hẹn của chính quyền quân sự Thái Lan - cho phép bà rời Thái Lan trong khoảng thời gian từ ngày 21/7 - 10/8.

Bà Yingluck Shinawatra.


Sự trở lại của bà Yingluck đã xóa tan mọi nghi ngờ về việc bà có thể lợi dụng cơ hội trên để trốn khỏi Thái Lan, trong bối cảnh người từng là nữ Thủ tướng đầu tiên của Thái Lan đang chịu nhiều cáo buộc về chính sách cầm quyền.

Ngày 5/8, Ủy ban Chống tham nhũng quốc gia Thái Lan (NACC) đã cáo buộc bà Yingluck Shinawatra lơ là trách nhiệm trong việc giám sát chương trình thu mua gạo từ nông dân, khuyến khích hành vi gây tham nhũng và làm thất thoát 500 tỷ baht (tương đương 15,6 tỷ USD) trong ngân sách nhà nước khi bà còn là Thủ tướng.

Văn phòng Tổng công tố (OAG) hiện đang xem xét các bằng chứng và nhân chứng để quyết định liệu có đủ cơ sở để ngày để luận tội bà hay không. Nếu bị kết tội, bà Yingluck có khả năng phải đối mặt với mức án tối đa là 10 năm tù và bị cấm hoạt động chính trị trong vòng 5 năm.

Ngoài ra, cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra cũng đang đối mặt với cáo buộc lạm dụng quyền lực, sử dụng công quỹ để vận động tranh cử trong cuộc bầu cử hồi tháng hai vừa qua. Ủy ban Bầu cử quốc gia Thái Lan (EC) cho rằng bà Yingluck cùng 8 cựu thành viên nội các và người đứng đầu cơ quan cảnh sát quốc gia khi đó đã vi phạm Hiến pháp năm 2007 (hiện đã bị hủy bỏ) vì sử dụng tiền công quỹ cho các chuyến đi vận động tranh cử trên cả nước.

Các chuyến vận động tranh cử của bà Yingluck và nội các diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Thái Lan khi đó là thể chế tạm quyền sau khi Quốc hội giải tán vào tháng 9/2013. Các chuyến đi vận động này đã vi phạm Điều 181 của bản Hiến pháp 2007, theo đó quy định chính phủ sắp mãn nhiệm không được phép sử dụng công quỹ hay nhân lực của nhà nước để chỉ đạo các hoạt động có thể ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Tất cả các nhân vật liên quan cáo buộc trên sẽ bị triệu tập để phản biện trước ban điều tra của EC. Ngoài ra, EC cũng sẽ đưa vấn đề này lên bộ phận giải quyết các vụ việc liên quan bầu cử của Tòa án Tối cao xem xét. Nếu bị kết luận có tội, các nhân vật liên quan có thể phải đối mặt với án tù tới 10 năm, 10 năm không được tham gia tranh cử ở mọi cấp, và phải nộp phạt khoản tiền 200.000 baht (khoảng 6.200 USD) mỗi người.

* Ấn định thời điểm bầu thủ tướng

Theo thông tin từ Hội đồng Lập pháp Quốc gia (NLA) của Thái Lan, dự kiến vào ngày 21 hoặc 22/8 tới, NLA sẽ triệu tập một phiên họp để bầu chọn thủ tướng mới sau khi kết thúc việc thảo luận về ngân sách tài khóa 2015.

Phó Chủ tịch NLA Surachai Liengboonlertchai được truyền thông Thái Lan dẫn lời cho biết việc thảo luận về dự thảo ngân sách cho tài khóa 2015 là vấn đề quan trọng vì chỉ còn 1 tháng nữa là bước sang tài khóa mới.

Các phiên họp về vấn đề tài chính sẽ bắt đầu diễn ra từ ngày 15/8. Ông Surachai cho hay cá nhân ông ủng hộ Tư lệnh Lục quân Prayuth Chan-ocha, người đứng đầu Hội đồng Hòa bình và Trật tự Quốc gia, làm thủ tướng mới của Thái Lan. Tuy nhiên, quyết định về vấn đề này phụ thuộc vào các thành viên của NLA.

Theo Hiến pháp lâm thời, các thành viên NLA sẽ bỏ phiếu lựa chọn thủ tướng và nội các mới để điều hành chính phủ tạm quyền cho tới khi cuộc tổng tuyển cử được tổ chức vào cuối năm 2015. Cho tới nay, Tướng Prayuth vẫn từ chối khẳng định liệu ông có tiếp nhận ghế thủ tướng Thái Lan nếu được bầu hay không.


TTXVN/Tin tức
Không quân Thái Lan mua trực thăng Pháp
Không quân Thái Lan mua trực thăng Pháp

Thái Lan sẽ mua 2 máy bay trực thăng quân sự của Pháp với mục đích ban đầu là để thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và cứu nạn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN