Đây là những cánh rừng cao su thuộc Đề án “Đầu tư xây dựng các khu vực chuyên canh sản xuất cao su tập trung để giao cho các hộ nghèo, thiếu đất sản xuất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên của chính quyền huyện Đạ Tẻh”, với tổng diện tích 200 ha.
Vào thôn Con Ó ở xã Mỹ Đức, phóng viên TTXVN gặp anh K’Đơn (33 tuổi) vừa đi cạo mủ cao su về. Anh K’Đơn kể: "Mình lên rừng cao su cạo mủ từ đêm hôm qua. Mệt nhưng vui lắm, vì đó là vườn của mình, cạo mủ về là có tiền luôn. Trước đây đi lên rừng hái đọt mây, lá bép về bán hôm được hôm không. Giờ thì mỗi đêm đi cạo mủ, giao cho công ty cũng được 200.000 đồng, mỗi tháng hơn 4 triệu đồng. Do có sức, mình nhận cạo luôn cho một hộ ở trong tổ nên mình cũng có thêm thu nhập".
Được hỏi về rừng cao su của thôn Con Ó, anh K’Túc, Trưởng thôn cho biết: Cả thôn có 150 hộ dân là người dân tộc Mạ. Từ năm 2012, chính quyền địa phương đã cho thực hiện dự án trồng cao su tập trung để giao cho các hộ dân thuộc diện đói nghèo ở trong thôn. Qua bình chọn, có 62 hộ đói nghèo và không có đất sản xuất được tham gia dự án. Qua 7 năm, rừng cao su rộng 70 ha của thôn đã đến tuổi được khai thác. Hiện đã có 2.000 cây của 11 hộ ở các tổ 1,4,6 đủ tiêu chuẩn mở miệng. Số còn lại, đến năm 2019 sẽ tiếp tục đưa vào cạo mủ. Mủ thu hoạch được, đã có doanh nghiệp xuống thu mua tận nơi, nên bà con không sợ phải tự mang đi bán.
Gia đình K’Túc có 1ha với 500 cây cao su, trong đó có 300 cây bắt đầu được cao mủ. Mỗi cây thu được hơn 1 lạng mủ, cả vườn thu 35kg mủ cao su/lần, mỗi tháng cạo 15 buổi, cũng được một khoản tiền đáng kể. Theo anh K’Túc, các lao động trong thôn đều đã được tập huấn kỹ thuật cạo mủ và chăm sóc cao su. Giờ điều mong mỏi nhất của cả thôn là đưa toàn bộ diện tích 70 ha cao su vào khai thác, để gia đình nào cũng có thu nhập.
Đề án “Đầu tư xây dựng các khu vực chuyên canh sản xuất cao su tập trung để giao cho các hộ nghèo, thiếu đất sản xuất là đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên của chính quyền huyện Đạ Tẻh” là sự trăn trở của tập thể lãnh đạo huyện Đạ Tẻh, sau nhiều đề án đã thất bại tại địa phương này. Mục tiêu cụ thể của Đề án là từ năm 2012 trồng mới 200 ha chuyên canh sản xuất cao su tập trung để giao cho 200 hộ nghèo, thiếu đất sản xuất người dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên ở thôn Con Ó (xã Mỹ Đức) và thôn Đạ Nhar (xã Quốc Oai). Đến năm 2017, giao vườn cao su cho mỗi hộ 1 ha để quản lý, chăm sóc và khai thác với mục tiêu giảm nghèo nhanh và bền vững.
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Đạ Tẻh cho biết: Đến nay có thể khẳng định mục tiêu của đề án đã bước đầu hoàn thành. Bởi trước đây, đã có rất nhiều dự án xóa đói giảm nghèo đầu tư vào như cấp giống trâu bò, dê, gà… cho bà con đều thất bại. Nhiều gia đình kêu thiếu đất sản xuất nhưng khi tìm được quỹ đất giao cho bà con, được một thời gian lại bán mất, cái đói nghèo vì vậy cứ luẩn quẩn mãi với bà con. Với Đề án này, nhà nước giao cho bà con cái "cần câu" chắc chắn, ngày nào cũng "câu được cá" nên phù hợp với tập quán vẫn còn khá lạc hậu của địa phương.
Cái được lớn nhất của đề án là giữ được tư liệu sản xuất cho bà con vì đất được giao cho từng tổ, nên các hộ không tự ý bán được. Bà con sản xuất theo tổ đội, nên tính cộng đồng, hỗ trợ lẫn nhau được nâng cao. Sản xuất cao su mang đặc thù trình độ chuyên môn khá cao, nên cũng thay đổi tập quán canh tác của bà con. Đặc biệt, tuổi thọ khai thác của cây cao su từ 10 - 20 năm nên đây là phương thức giảm nghèo bền vững. Tập quán của bà con dân tộc thiểu số thường nhìn vào thu nhập hằng ngày, nên đây cũng là mô hình kinh tế phù hợp, vì ngày nào cũng có thu nhập từ việc cạo mủ cao su…
Việc thực hiện Đề án là một nỗ lực lớn của chính quyền địa phương Đạ Tẻh. Từ việc điều tra, nghiên cứu giống cây phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, đã từng được trồng và khai thác hiệu quả tại địa phương; đến việc tìm kiếm quỹ đất, tổ chức trồng diện tích lớn cao su tập trung… Để trồng và chăm sóc 200 ha cao su của Đề án, huyện Đạ Tẻh đã huy động một lực lượng lớn các quân nhân, đoàn viên thanh niên của đơn vị chủ đầu tư là Huyện đội Đạ Tẻh, UBND và Đoàn thanh niên xã Quốc Oai vào cuộc.
Vừa trồng, chăm sóc, vừa cầm tay chỉ việc cho các hộ dân được thụ hưởng đề án, nên mới có những cánh rừng cao su bạt ngàn xanh tốt, bắt đầu đưa vào khai thác. Chính quyền huyện đang tính toán tới việc giao diện tích cao su đã trưởng thành này tới từng hộ. Nhưng trước khi làm việc này, cũng phải tăng cường tuyên truyền vận động, để bà con thực sự coi đây là tư liệu sản xuất, để mỗi gia đình nhờ đó mà xóa đói giảm nghèo bền vững lâu dài…
Được biết, trong năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo của huyện Đạ Tẻh đã giảm 1,3%. Hiện chỉ còn 3,4% hộ nghèo, trong đó tỷ lệ hộ nghèo người dân tộc thiểu số chỉ còn 6,5%. Thay vì lên rừng hái đọt mây, lá bép về bán sống cho qua ngày, hôm nay về Đạ Tẻh đã chứng kiến cảnh đêm đêm, từng đoàn người trong các buôn làng kéo lên rừng cao su cạo mủ. Sự đổi thay này như một phép màu, ở nơi đã từng thất bại nhiều dự án xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc gốc Tây Nguyên trong suốt nhiều năm qua.