Việc triệu tập cuộc họp bốn bên lần đầu tiên tại Geneva kể từ khi xảy ra cuộc khủng hoảng Ukraine với mục tiêu làm giảm căng thẳng ở phía Đông-Nam và tìm giải pháp hòa bình cuối cùng đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, các đại diện tham gia đàm phán của Liên minh châu Âu (EU), Nga, Mỹ và Ukraine đều không quá ảo tưởng về khả năng các bên liên quan nhanh chóng dẹp bỏ mâu thuẫn vì hiện lập trường của các bên vẫn còn khoảng cách khá xa. Bên cạnh đó, những cáo buộc lẫn nhau trước thềm cuộc gặp về sự có mặt của lực lượng đặc nhiệm Mỹ và Nga tại các tỉnh phía Đông Ukraine cũng như sự có mặt của giám đốc CIA Jhon Brennan tại Kiev hay việc binh lính Nga đóng quân ở dọc biên giới giáp Ukraine, càng làm cho dư luận nghi ngờ nhiều hơn về thành công của cuộc gặp bốn bên này.
Trước thềm hội nghị dự kiến tiến hành vào ngày 17/4, tình hình ở miền Đông Ukraine đã trở nên "cực kỳ nghiêm trọng" với việc những người ủng hộ liên kết với Nga chiếm đóng trụ sở gần chục chính quyền cấp tỉnh-thành và Kiev điều động binh sĩ cùng xe tăng-thiết giáp tới “lập lại trật tự”. Trong khi Mỹ kêu gọi phải tăng cường gây sức ép với Moskva thì nhiều nước chủ chốt của EU gồm Italy, Đức và Pháp v.v. không ủng hộ các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào Nga. Moskva đã lên tiếng mạnh mẽ ủng hộ xây dựng một nhà nước liên bang ở Ukraine, đồng thời không công nhận Chính phủ lâm thời ở Kiev vì cho rằng chính quyền mới này được dựng nên sau cuộc đảo chính tiếm quyền.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 15/4 nhấn mạnh Nga sẵn sàng tham gia cuộc gặp 4 bên (Nga, Mỹ, EU và Ukraine) tại Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: AFP-TTXVN |
Với tư cách là nước Chủ tịch Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE), Thụy Sĩ đã hối thúc cộng đồng quốc tế cần thống nhất các nỗ lực nhằm tìm kiếm giải pháp chính trị, tăng số quan sát viên quốc tế từ 85 người hiện nay lên 300 người ở Ukraine. Trong khi đó, Đặc phái viên Liên hợp quốc Rita Izsak vừa có mặt tại Ukraine từ ngày 7 đến 14/4 đã thúc giục cuộc đối thoại toàn quốc, bảo vệ quyền các dân tộc thiểu số như một phần của quá trình xây dựng lòng tin và để đạt được sự thống nhất mạnh mẽ hơn trong sự đa dạng của Ukraine. Còn đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU, bà Catherine Ashton thì cho rằng một cuộc bầu cử công bằng vào tháng tới sẽ là cách tốt nhất để thể hiện ý chí của người dân và quá trình cải cách hiến pháp tại Ukraine.
Cho đến nay, các biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU chống lại Nga dường như không có hiệu quả. Moskva thậm chí đang cân nhắc kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về những biện pháp trừng phạt của Washington nhằm vào các ngân hàng Nga. Tuy nhiên, “tâm lý bài Nga” đang dâng cao trong các nước Tây Âu. Nếu cuộc khủng hoảng Ukraine trầm trọng them với việc gia tăng các biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva, chắc chắn sẽ tác hại đến kinh tế toàn cầu vì Nga là nước xuất khẩu hàng đầu thế giới về khí đốt tự nhiên và dầu mỏ, các loại khoáng sản như bạch kim, niken, kim cương, ngũ cốc và gỗ.
Ukraine có vị trí chiến lược quan trọng và có sự gắn kết cả về văn hóa, lịch sử và tôn giáo với Nga. Cả tiếng Nga lẫn tiếng Ukraine đều được sử dụng phổ biến ở Ukraine. Sau khi Tổng thống Viktor Yanukovich bị phế truất, Ukraine đặt cược tái định hướng kinh tế vào Tây Âu, trong lúc kinh tế Ukraine vẫn còn lệ thuộc vào thị trường Nga. Ukraine cũng có chung đường biên giới với EU và EU cũng không muốn làm thất vọng “những người bạn ở Kiev”.
Mặc dù Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) tuyên bố liên minh quân sự này sẽ ngay lập tức triển khai thêm các lực lượng hải, lục, không quân tới Đông Âu nhằm đối phó với cuộc khủng hoảng ngày càng tồi tệ ở Ukraine. Tuy nhiên, EU sẽ tìm cách ngăn chặn sự leo thang của cuộc xung đột, tránh có hành động quân sự vì lợi ích của mình. Trong khi đó, Mỹ theo đuổi những mục tiêu riêng ở Ukraine. Kinh tế không phải là động lực khiến Washington nhẹ tay “trừng phạt” Moskva vì thị trường Mỹ chỉ chiếm 4 % tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga.
Dù vậy, chính quyền Mỹ vẫn phải cân nhắc kỹ lưỡng với Nga vì những lý do địa chính trị: lính Mỹ từ Afghanistan trở về phải đi qua lãnh thổ của Nga. Hơn nữa, Washington cần có tiếng nói và hành động phối hợp của Moskva trong cuộc chiến chống khủng bố cũng như để giải quyết các “hồ sơ nóng bỏng” liên quan đến chương trình hạt nhân của Iran và CHDCND Triều Tiên hay cuộc khủng hoảng Syria. So với Armenia, Azebaijan, Geogia và Modova thì Ukraine có vị trí chiến lược quan trọng hơn nhiều đối với Nga nên Moskva có thể có những bước đi quyết liệt hơn. Nga nhấn mạnh rằng giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng đòi hỏi sự cân nhắc quan điểm của tất cả các thành phần xã hội Ukraine. Moskva cũng nhấn mạnh khi mà phần lớn ý kiến người dân Ukraine bị bỏ qua và lợi ích kinh tế-chính trị của bị đe dọa thì nỗ lực đàm phán quốc tế sẽ không thể đem lại kết quả, bất chấp đánh giá cho rằng cuộc họp của Nga, Mỹ, Ukraine và EU tại Geneva chính là một cột mốc cho cuộc khủng hoảng Ukraine hiện nay.
Chương trình nghị sự cuộc đàm phán quốc tế bốn bên về Ukraine đã được thỏa thuận sơ bộ. Các đại diện Nga, Mỹ, EU và Ukraine dự kiến đàm phán nhằm không để căng thẳng gia tăng, giải trừ vũ khí của các lực lượng vũ trang bất hợp pháp, bàn vấn đề cải cách hiến pháp và bầu cử trong toàn nước Ukraine vào ngày 25/5 tới.
Niềm hy vọng cho một cuộc thảo luận mang tính xây dựng tại Geneva vẫn tồn tại tuy còn nhiều trở ngại. Nếu tình hình ở phía Đông-Nam của Ukraine được giải quyết một cách hòa bình thì những đại diện tham gia đàm phán ở Geneva có thể xem xét một loạt các vấn đề một cách sáng suốt để tìm kiếm một lối thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng hiện nay ở Ukraine. Nhưng Moskva đã thẳng thừng tuyên bố rằng nếu Kiev sử dụng vũ lực ở miền Đông Ukraine thì khả năng đàm phán tại Geneva sẽ trở về con số không.
Tố Uyên (P/v TTXVN tại Geneva)