Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) ngày 23/6 đã một lần nữa nâng trần quỹ Hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng của Hy Lạp, song không thông báo mức cụ thể.
Quang cảnh bên ngoài trụ sở ECB tại Frankfurt am Main, miền bắc nước Đức ngày 22/6. Ảnh: AFP/TTXVN |
Đây là lần thứ 4 ECB có động thái như vậy kể từ hôm 17/6, trong bối cảnh nhiều người gửi tiết kiệm ở Hy Lạp tiếp tục rút tiền ồ ạt khỏi các ngân hàng do lo ngại Athens bị phá sản khi không thể giải quyết được cuộc khủng hoảng nợ ở quốc gia Nam Âu này.
Hiện Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận về nợ công của Athens khi mà chỉ còn một tuần nữa là đến thời hạn chót Hy Lạp phải trả khoản nợ 1,6 tỷ euro cho IMF vào cuối tháng này.
Nếu không được giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo trị giá 7,2 tỷ euro khi chương trình cứu trợ hiện nay kết thúc vào cuối tháng 6/2015, Hy Lạp sẽ mất khả năng tạo thanh khoản và có nguy cơ rời khỏi Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Sau hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp của 19 nước thuộc Eurozone vào ngày 22/6, các nhà lãnh đạo nhóm này đã yêu cầu các bộ trưởng tài chính tiến hành các cuộc đàm phán mới vào ngày 24/6 nhằm đạt được một thỏa thuận với Hy Lạp, để có thể trình lên Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày hôm sau (25/6).
Một nguồn tin của EU cho biết Hy Lạp đến thời điểm này đã đáp ứng 90% các điều kiện mà các chủ nợ đặt ra. Vấn đề khó khăn duy nhất là đề xuất của Hy Lạp về tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) để nước này có thêm nguồn thu tương đương 0,75% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Tuy nhiên, các chủ nợ yêu cầu phải đạt mức 1% GDP, đồng nghĩa với việc Hy Lạp phải tăng thuế dịch vụ VAT tại các khách sạn và nhà hàng từ mức 13% hiên nay lên 23%.