Đàm phán hạt nhân Iran khó đúng hạn

Trong khi thời hạn chót để Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an LHQ và Đức) đạt thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân của Iran đã cận kề, các bên vẫn đang căng mình đàm phán để vượt qua những bất đồng lớn. Rất có thể, những bất đồng này sẽ khiến các bên bỏ lỡ mục tiêu sẽ chấm dứt 12 năm bế tắc trong vấn đề hạt nhân Iran vào ngày hôm nay, 24/11.

Đại diện P5+1 và Iran tại bàn đàm phán ở Vienna ngày 21/11. Ảnh: AFP/ TTXVN


Trong cuộc đàm phán ở Vienna (Áo), tính đến ngày 23/11, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã tham gia vòng đàm phán thứ 5 với Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif. Chỉ còn cách hạn chót một ngày nhưng ông Kerry cho biết các bên vẫn còn khoảng cách lớn bất chấp có vài dấu hiệu tiến triển trong đàm phán.

Một nguồn tin từ châu Âu cũng nhận định khả năng Iran và P5+1 đạt được thỏa thuận cuối cùng đúng hạn chót là “rất nhỏ” và phía Iran “không được linh hoạt cho lắm”. Quan chức này cho biết hầu như không có tiến triển đáng kể về các vấn đề gai góc như công suất làm giàu uranium của Iran và việc dỡ bỏ trừng phạt nhằm vào Iran.

Cụ thể, trong cuộc đàm phán, Iran đã từ chối giảm công suất làm giàu uranium - điều mà phương Tây cho rằng sẽ giúp nước này đủ khả năng chế tạo bom nguyên tử trong vài tháng. Ngoài ra, Iran muốn chấm dứt nhanh chóng các lệnh trừng phạt chứ không phải chỉ là hoãn và giảm dần dần trong quá trình thực thi các điều khoản thỏa thuận toàn diện. Iran còn bác yêu cầu của phương Tây rằng thỏa thuận cuối cùng phải có giá trị trong 20 năm.

Trong tình hình đó, một quan chức Iran ngày 23/11 cho biết thỏa thuận toàn diện khó lòng được chốt kịp hạn chót và các bên có thể thảo luận thêm vào đêm 23/11. Theo quan chức này, còn rất ít thời gian trong khi rất nhiều chi tiết chưa được đàm phán. Do đó, Iran để ngỏ giải pháp về việc gia hạn thời gian đàm phán thêm 6 tháng hoặc 1 năm nếu không có tiến triển thực sự nào trước ngày 24/11.

Sau vài ngày đàm phán vừa qua, giới chuyên gia nhận định là các bên vẫn có thể đạt được ít nhất là thỏa thuận khung, nhưng sau đó phải cần đến hàng tuần, thậm chí hàng tháng để thống nhất về mọi chi tiết quan trọng về cách thực hiện thỏa thuận. Các nhà ngoại giao đều nhấn mạnh tiếp tục đàm phán như trong suốt hơn một năm qua là lựa chọn tốt hơn là để đàm phán sụp đổ rồi từ đó căng thẳng có nguy cơ bùng phát trở lại. Tuy nhiên, kéo dài thời hạn chót có thể khiến đàm phán rơi vào vòng luẩn quẩn, ít triển vọng đạt được thỏa thuận cuối cùng. Trên thực tế, hạn chót 24/11 đã từng được gia hạn thêm bốn tháng.

Cuộc đàm phán hiện giờ giữa Iran và P5+1 đã kéo dài suốt từ tháng 2/2014 đến nay. Mục đích là để biến một thỏa thuận tạm thời mà các bên đạt được cách đây một năm thành một thỏa thuận toàn diện, lâu dài vào ngày 24/11. Phương Tây tin rằng thỏa thuận toàn diện sẽ làm họ bớt nỗi lo về khả năng Iran sẽ phát triển vũ khí hạt nhân dưới vỏ bọc hoạt động dân sự. Về phần mình, Iran muốn đạt thỏa thuận trên để được dỡ bỏ trừng phạt kinh tế và luôn khẳng định chương trình hạt nhân của nước này hoàn toàn nhằm mục đích hòa bình.

Trong khi đó, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết dù mục tiêu của nước này vẫn là đạt được thỏa thuận đúng hạn chót nhưng Mỹ cũng đang thảo luận, cả trong nội bộ lẫn với các đối tác, về một loạt lựa chọn khác.

Thùy Dương
Mỹ tính phương án khi thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ
Mỹ tính phương án khi thỏa thuận hạt nhân Iran đổ vỡ

Mỹ vẫn hy vọng đạt được một thỏa thuận hạt nhân với Iran trước hạn chót ngày 24/11 song cũng đang xem xét các phương án khác.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN