Cuộc đàm phán giữa Nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Mỹ, Anh, Pháp, Nga và Trung Quốc cùng với Đức) và Iran đã bước vào giai đoạn nước rút khi chỉ còn vài ngày nữa là tới thời hạn đạt thỏa thuận khung về chương trình hạt nhân của nước này. Ngày 26/3, tại thị trấn Lausanne của Thụy Sĩ, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tiếp tục vòng đàm phán mới. Ảnh: AFP-TTXVN |
Theo đánh giá, nỗ lực đàm phán của các bên, bao gồm cả cuộc hội đàm ngày 26/3 giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif tại Lausanne (Thụy Sĩ), đã đem lại những bước tiến đáng kể.
Phát biểu trước báo giới sau cuộc họp, Ngoại trưởng Iran cho biết hai bên đã giải quyết được nhiều chi tiết kỹ thuật, tuy nhiên để vượt qua những bất đồng còn lại đòi hỏi phải có ý chí chính trị. Ông Zarif nói thêm, các bên đang nỗ lực đạt thỏa thuận về các vấn đề còn lại trước ngày 31/3, theo đúng như kế hoạch.
Theo phóng viên TTXVN tại Thụy Sĩ, phát biểu bên lề cuộc đàm phán ngày 26/3, một nhà ngoại giao Anh cho biết các bên đã đạt được tiến bộ đáng kể trong một số lĩnh vực, nhưng vẫn có những vấn đề quan trọng cần thương thảo. Nhiệm vụ trong vài ngày tới là phải cân nhắc xem liệu các nhà đàm phán có thể san bằng khoảng cách nhằm đạt được một khuôn khổ chính trị.
Cơ hội lịch sử đang đến gần để mở đường cho việc tiến tới một thỏa thuận hạt nhân toàn diện dự kiến sẽ ký trước ngày 1/7. Gần đây nhất, cuộc đàm phán suốt 6 ngày đêm kết thúc vào ngày 20/3 cũng tại Thụy Sĩ đã đạt được những tiến triển dù vẫn tồn tại một số khoảng cách quan trọng liên quan tỷ lệ cắt giảm các thiết bị có thể sử dụng chế tạo bom hạn nhân, tiến độ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, thỏa thuận sẽ kéo dài bao lâu và sẽ có bao nhiêu cơ sở hạt nhân của Iran được để ngỏ cho việc kiểm tra.
Tại vòng đàm phán mới này, trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận khung như mong muốn, các bên cũng có thể ký một tuyên bố chung, sau đó trong ba tháng còn lại sẽ đi vào thương lượng các điều khoản cụ thể của một hiệp định toàn diện.
Trước thềm cuộc đàm phán quan trọng của P5+1 với Iran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã gửi thư và điện đàm tới lãnh đạo các cường quốc trong nhóm. Hiện chưa có thông tin về bức thư gửi Tổng thống Mỹ Barack Obama. Còn trong điện đàm với nguyên thủ Nga, hai bên đã ghi nhận những tiến bộ trong đàm phán, đồng thời bày tỏ hy vọng vào thành công của cuộc họp tại Lausanne. Còn qua điện đàm với Thủ tướng Anh David Cameron, Tổng thống Rouhani nhất trí rằng thỏa thuận khung về vấn đề hạt nhân của Tehran có thể được ký kết vào cuối tháng Ba như kế hoạch.
Hiện các bên đàm phán vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực. Hàng trăm nghị sỹ Mỹ đã gửi thư cảnh báo sẽ tìm mọi cách ngăn chặn nếu chính quyền của Tổng thống Barack Obama không dành cho Quốc hội quyền xem xét mọi thỏa thuận có thể đạt được liên quan tới chương trình hạt nhân của Iran.
Cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ đều đã có các kế hoạch bỏ phiếu về một dự luật mới liên quan tới Iran. Còn nhà lãnh đạo tinh thần tối cao của Iran, Đại giáo chủ Ayatollah Ali Khamenei, người có tiếng nói quyết định trong mọi vấn đề của Iran, đã khẳng định Tehran sẽ không để bị ép phải đáp ứng mọi yêu cầu của phương Tây.
Theo các chuyên gia, nếu đạt được thỏa thuận, chỉ trong ít năm nữa Iran sẽ trở thành một cường quốc cả về kinh tế lẫn chính trị trong khu vực quan trọng này. Thế giới sẽ được chứng kiến là một sự bùng nổ về kinh tế ở Iran, với những nguồn vốn đầu tư rất lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu mỏ, sẽ được đổ vào Iran, cùng với nó là một sự công nhận của phương Tây về vai trò của Tehran trong khu vực và một vai trò mới của Mỹ ở vùng trọng yếu này của thế giới.
TTXVN/Tin tức