“Đầu tư cho khoa học, công nghệ sẽ là khâu then chốt để tăng năng suất, chất lượng của các cây trồng làm nguyên liệu cho thức ăn chăn nuôi. Từ đó, Việt Nam sẽ bớt phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu TĂCN nhập khẩu từ nước ngoài”, ông Lê Bá Lịch (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Thức ăn chăn nuôi Việt Nam chia sẻ với phóng viên báo Tin Tức.
´Mặc dù, là nước nông nghiệp nhưng tại sao từ nhiều năm nay, Việt Nam vẫn thường xuyên nhập khẩu một lượng lớn TĂCN, thưa ông?
Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam xuất khẩu gạo được khoảng 3 tỷ USD nhưng lại nhập tới hơn 4 tỷ USD nguyên liệu TĂCN, vậy thì xuất khẩu làm gì? Nhưng theo tôi, vẫn cần đẩy mạnh xuất khẩu những mặt hàng có thế mạnh và nhập khẩu những sản phẩm không có thế mạnh. Đó là việc bình thường của nhiều nước trên thế giới. Năm 2013, Việt Nam nhập trên 9 triệu tấn nguyên liệu TĂCN. Trong đó, 5 triệu tấn thức ăn giàu đạm, trên 3 triệu tấn thức ăn giàu năng lượng và các loại thức ăn khác.
Để chủ động nguyên liệu TĂCN, chúng ta cần có giải pháp chủ động hơn về khô dầu đậu tương, ngô. Đây là hai sản phẩm chúng ta có thể cải thiện được nguồn cung từ trong nước.
Tuy nhiên, các chất bổ sung như bột cá thì chúng ta vẫn chưa sản xuất được những loại có chất lượng cao. Việt Nam chủ yếu sản xuất bột cá từ cá con, lượng bột cá của chúng ta ít mà chất lượng không cao do công nghệ không cao và nguồn nguyên liệu không tốt.
´Để hạn chế vào nguồn nguyên liệu nước ngoài thì Việt Nam cần có những giải pháp trước mắt và lâu dài nào, thưa ông?
Mỗi năm chúng ta nhập rất nhiều khô dầu đậu tương từ Mỹ, Argentina, Brazil, Ấn Độ... Đây là những nước đã sử dụng công nghệ biến đổi gen để nâng cao năng suất cây trồng có hiệu quả. Cây trồng biến đổi gen chống được sâu bệnh, đưa năng suất lên cao hơn. Vì vậy, tôi cho rằng, cần mở rộng diện tích cây trồng biến đổi gen để góp phần giảm nhập khẩu nguyên liệu TĂCN.
Đồng thời, Bộ NN&PTNT cần sớm có các chính sách khuyến khích để thu hút vốn đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến bột cá, khuyến khích đánh bắt xa bờ để mang về nguyên liệu cho các nhà máy này.
Về dài hạn, phải đầu tư nghiên cứu khoa học cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp, lâm nghiệp... Trung Quốc đông dân nhưng giải quyết được thực phẩm vì họ đầu tư vào khoa học, các nước khác cũng vậy. Do đó, Việt Nam muốn tăng năng suất, chất lượng thì phải đầu tư khoa học. Năng suất của Việt Nam vẫn còn thấp, ngô mới có 4 tấn, đậu tương 1-1,2 tấn/ha, thấp hơn nhiều so với các nước. Do vậy, vẫn còn nhiều dư địa cho nghiên cứu khoa học.
Bên cạnh đó, cần đầu tư khâu sau thu hoạch: khâu sấy và chế biến. Bởi vì, ngô nếu được thu hoạch đúng mùa mưa, không sấy khô thì có thể hỏng tới 30% sản lượng. Bộ NN&PTNT cần đề xuất với Chính phủ để cho nông dân vay vốn đầu tư hệ thống bảo quản sau thu hoạch.
Ngoài ra, cần chuyển diện tích trồng lúa sang trồng ngô, tự túc nguồn nguyên liệu trong nước. Tạo ra giống đậu tương phù hợp với điều kiện Việt Nam, sau đó tăng diện tích. Nếu chúng ta tự cung được nguồn nguyên liệu TĂCN thì giảm bớt nhập khẩu.
´Hiện một số ít doanh nghiệp sản xuất TĂCN có vốn nước ngoài lại chiếm tới 60% thị trường trong nước, chúng ta cần làm gì để không bị họ lũng đoạn thưa ông?
Các nhà máy chế biến thức ăn nước ngoài chiếm tới 60% thị phần TĂCN Việt Nam. 10 hãng sản xuất TĂCN lớn nhất thế giới đều có mặt tại Việt Nam bao gồm: CP, Cargill, New Hope... hoạt động theo cơ chế thương mại, nguyên liệu rẻ thì họ mua. Do vậy, cần tạo ra nguồn nguyên liệu rẻ từ trong nước. Bộ Tài chính cần quản lý giá đối với các doanh nghiệp này.
Nguyên liệu trong nước rẻ thì giảm bớt giá thành TĂCN trong nước. Như vậy, giá thành TĂCN sẽ không bị biến động nhiều, ngành chăn nuôi có thể phát triển bền vững hơn.