Sắp tới, Bộ GD - ĐT sẽ ra Thông tư về việc tăng số lượng giáo viên đứng lớp ở bậc mầm non, nhằm tăng thời gian, sự quan tâm của giáo viên tới trẻ. Đồng thời, việc đào tạo sư phạm sẽ được tập trung ở những trường trọng điểm, không tràn lan như hiện nay.
Phải có cơ chế kiểm định chất lượng giáo viên
Theo đánh giá của các chuyên gia giáo dục, chính chất lượng giáo viên, sự quá tải của các lớp mầm non (về số lượng học sinh/lớp) đã dẫn tới những vụ việc đáng tiếc lâu nay. Vì vậy, giải pháp quan trọng nhất là phải nâng cao chất lượng của giáo dục mầm non về mọi mặt.
Nhà nghiên cứu tâm lý Nguyễn An Chất, Giám đốc Công ty Tâm lý An Việt Sơn (Hà Nội) cho rằng: "Có một thực tế là hiện nay việc đào tạo giáo viên mầm non khá tràn lan, nhưng lại không có sự kiểm định chất lượng. Giáo viên bị "đẩy" ra trường một cách ào ạt, phải chấp nhận làm việc với mức lương thấp, áp lực cao. Bên cạnh đó là cơ chế quản lý của các nhà trường cũng đã ảnh hưởng tới tâm lý giáo viên, có những trường yêu cầu giáo viên phải làm việc với cường độ cao, kiêm nhiệm nhiều công việc để giảm tải chi phí, dẫn tới việc giáo viên bị căng thẳng, ức chế. Bên cạnh đó, tâm lý phó mặc con cái cho nhà trường, cô giáo của một bộ phận phụ huynh cũng là nguyên nhân dẫn đến nạn bạo hành".
Theo ông Nguyễn An Chất, để khắc phục nạn bạo hành ở trẻ mầm non, cần "gỡ" từng nguyên nhân. Chương trình đào tạo tại các trường sư phạm cần tăng cường bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho người học. Các cấp quản lý cần có những biện pháp siết chặt quản lý, kiểm định chất lượng đầu ra. Bên cạnh đó, cần tăng chế độ đãi ngộ với giáo viên mầm non, tiếp đến là cơ chế quản lý của các trường mầm non, đặc biệt là với các cơ sở đào tạo tư thục. Việc tuyển chọn giáo viên mầm non cũng cần được hết sức chú ý.
“Giáo viên mầm non phải có năng lực chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm vững vàng, được trang bị tri thức và những kỹ năng mềm, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp với trẻ. Hiểu và nắm bắt nhanh tâm lý trẻ cũng là một yếu tố giúp giáo viên gần gũi trẻ hơn”, nhà tâm lý Nguyễn An chất cho biết.
Nhiều giải pháp sẽ thực hiện trong năm 2014
Ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ giáo dục mầm non, Bộ GD - ĐT cũng cho biết, việc đào tạo giáo viên mầm non thời gian tới sẽ chỉ tập trung vào những trường đào tạo sư phạm trọng điểm. "Do công việc của giáo viên mầm non có những đặc thù, vất vả, nên trong quá trình tuyển sinh, đào tạo đến lúc ra hoạt động nghề nghiệp, sẽ phải có quy trình rõ ràng", ông Nguyễn Bá Minh cho biết.
Đại diện Bộ GD - ĐT cho biết, trong năm 2014, cùng với đổi mới giáo dục đào tạo, bậc mầm non cũng có nhiều đổi mới, nhằm khắc phục những khó khăn tồn tại từ nhiều năm. Ảnh Quý Trung-TTXVN |
Cũng theo ông Nguyễn Bá Minh, sắp tới Dự thảo thông tư về vị trí việc làm và chức danh giáo viên mầm non sẽ có hiệu lực, khi đó, tỷ lệ giáo viên đứng lớp sẽ tăng lên. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành nhằm giảm áp lực với giáo viên mầm non trong quá trình làm việc.
Vừa qua Bộ GD - ĐT cũng đã chủ động mời Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Liên đoàn Lao động, Ủy ban Văn hóa Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội, cùng ngồi lại để thống nhất chương trình hành động chung. Cụ thể, sẽ có những khảo sát về nhu cầu chăm sóc giáo dục trẻ mẫu giáo, trẻ 6 tuổi, gồm khảo sát năng lực hệ thống trong nhà trường, ngoài nhà trường để tìm ra giải pháp. Song song với đó, trong tháng 3 tới, Bộ cũng tổ chức hai hội thảo có quy mô lớn tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để các địa phương cùng chia sẻ kinh nghiệm về vấn đề này.
Thu Hòe - Lê Vân