Để làng Ring trở thành làng "xung kích"

Làng Ring thuộc xã biên giới Ia Mơr (huyện Chưprông, tỉnh Gia Lai) được thành lập từ năm 2007, có khoảng 100 hộ với chưa đầy 200 nhân khẩu. Đây là làng thanh niên lập nghiệp do Trung ương Đoàn Thanh niên đầu tư vốn, huy động lực lượng thanh niên xung kích ở các nơi trong tỉnh Gia Lai tự nguyện đến đây lập nghiệp, nhằm khai thác tiềm năng và thế mạnh của vùng biên giới này.

Làng Ring được xây dựng trên quỹ đất đã được quy hoạch rộng hơn 440 ha, trong đó đất trồng cây lâu năm có 220 ha, ruộng nước 54 ha, khu dân cư 45 ha và diện tích còn lại xây dựng hệ thống giao thông nông thôn và một số các công trình phúc lợi khác. Mỗi hộ được hỗ trợ 17 triệu đồng để làm nhà ở và trợ cấp lương thực trong 6 tháng đầu, các hộ rất phấn khởi và tự góp thêm tiền từ 5 - 10 triệu đồng để làm nhà ở kiên cố hơn.

Những năm qua, làng Ring dần ổn định cuộc sống và đã có 43 cặp vợ chồng mới được xây dựng hạnh phúc trên vùng đất mới này. Làng đã hình thành được chi bộ Đảng có 12 đảng viên và các tổ chức đoàn thể thanh niên, phụ nữ. Diện tích lúa nước đã từng bước được khai thác, đưa vào sử dụng hơn 30 ha, năng suất đạt khá cao từ 7 - 8 tấn/ha/vụ. Nhiều hộ không những đủ lương thực để ăn hàng năm, mà còn dôi dư tích lũy. Bước đầu đã có một số hộ dân ở đây đầu tư trồng cao su tiểu điền, tuy chưa đến tuổi cho khai thác, nhưng cũng có nhiều hứa hẹn trong tương lai.

Cuối năm 2010, làng Ring đã bàn giao lại cho xã Ia Mơr quản lý trong điều kiện vẫn chưa hết những khó khăn, cần tiếp tục đầu tư mạnh để tồn tại và phát triển bền vững. Đó là hệ thống giao thông đi lại còn khó khăn trong cả hai mùa mưa, nắng, từ trung tâm xã về đến làng Ring cách xa đến 17 km mà toàn bộ đều là đường đất, thường hay bị ách tắc trong mùa mưa. Làng có điểm trường nhưng chưa có giáo viên đứng lớp, cả làng có 20 cháu trong độ tuổi đến lớp và hàng ngày cha mẹ phải chở con đi xa đến 12 km sang tận xã Ia H'Lốp, huyện Esip (tỉnh Đắk Lắk) để con em mình được học chữ. Làng cũng có trạm y tế, nhưng lại chưa có thầy thuốc, bà con có đau ốm cũng phải về trung tâm xã để chữa trị...


Ông Rơ Lan Chim, Chủ tịch UBND xã Ia Mơr cho biết: Những khó khăn ở làng Ring không thể giải quyết một sớm một chiều được, mà cần có sự đầu tư lâu dài, như việc phát huy đất sản xuất phải chờ đến công trình thủy lợi Ia Mơr hoàn thiện, đường về làng cần phải có vốn lớn đầu tư... Tuy nhiên, trước mắt, những việc "cần làm ngay" thì xã phải làm, như tăng cường giáo viên đứng lớp trong năm học tới, không để các cháu phải sang tận bên xã giáp ranh của tỉnh Đắk Lắk để học; tăng cường thầy thuốc về điểm y tế của làng để chăm sóc sức khỏe cho người dân. Phối hợp với các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện Chưprông để người dân ở làng Ring được vay vốn phát triển sản xuất, nhất là đầu tư mở rộng diện tích trồng các loại cây công nghiệp dài ngày như cao su tiểu điền, mía, hồ tiêu...

Văn Thông
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN